Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Thần tượng” lệch lạc - Hồi chuông báo động trong giới trẻ

Hoàng Lân| 05/04/2019 08:04

(HNMO) - Thời gian qua, hiện tượng Khá “Bảnh”, Dương Minh Tuyền… bỗng nổi như cồn nhờ sự tung hô trên mạng xã hội, đã dấy lên những mối lo ngại về sự lệch lạc trong xu hướng “thần tượng” của giới trẻ.


Thần tượng cái xấu: Cần loại bỏ ngay

Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá, sinh năm 1993, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh) là nhân vật được mạng xã hội nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nhân vật này từng “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội Facebook, Youtube khi thản nhiên thực hiện những hành vi ngang ngược, thể hiện sự coi thường pháp luật, nói năng tục tĩu, bậy bạ...


Tung hô Khá "Bảnh", giới trẻ đang bộc lộ nhiều lệch lạc trong văn hóa thần tượng.


Nghịch lý là một nhân vật có tiền án, tiền sự, từng vào tù ra tội với các tội danh đánh bạc, sử dụng ma túy như Khá “Bảnh” khi khoe những “chiến tích” bất hảo trên mạng xã hội không những không bị tẩy chay, lên án, mà lại tạo được sức hút rất lớn của cộng đồng mạng, sự hùa theo của đám đông thanh niên, học sinh.

Rất nhiều hành động quái dị, thậm chí coi thường pháp luật của Khá “Bảnh” trên mạng xã hội Facebook và Youtube, như nói năng tục tĩu, chửi bậy, đỗ xe trên đường cao tốc, đốt xe… được cộng đồng mạng phấn khích, tán dương, “like” với số lượng lớn. Ngay cả kiểu tóc “bờm ngựa” hay điệu “múa quạt” không giống ai cũng “xâm nhập” vào thế giới học đường, được rất nhiều học sinh bắt chước. Đỉnh điểm của sự “thần tượng” lệch lạc này là khi Khá “Bảnh” xuất hiện ở TP Yên Bái, rất đông học sinh, trẻ em ra đường chụp ảnh, xin chữ ký.

Khi cái xấu không những không bị lên án mà còn có môi trường để phát triển thông qua mạng xã hội, tác động trực tiếp đến nhận thức, tư duy, thậm chí hành động của giới trẻ, đã gióng lên hồi chuông báo động về xu hướng thần tượng lệch lạc vô cùng nguy hiểm đang lây lan trong giới trẻ. Nó chẳng khác nào “vi rút độc hại” tiêm nhiễm những hành vi xấu vào lớp thanh niên đang hình thành nhân cách. Nhiều giá trị cuộc sống bị đảo lộn, những điều tốt đẹp trở nên lu mờ; hành vi xấu, thói giang hồ, côn đồ được tung hô, đón nhận và có chỗ để tung tác.

Thế nên, việc Công an tỉnh Bắc Ninh bắt và chính thức khởi tố bị can Ngô Bá Khá (tức Khá "Bảnh") về tội tổ chức đánh bạc và ra lệnh bắt tạm giam các bị cáo trong vụ án (ngày 3-4) là việc làm kịp thời, cần thiết của cơ quan chức năng, được đông đảo dư luận ủng hộ. Kênh Youtube “triệu view” của đối tượng này cũng chính thức bị xóa theo đề nghị của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vì những ảnh hưởng xấu tới cộng đồng.


Tội ác, cái xấu không thể được tiếp tục dung túng, thừa nhận như là chiến tích. Khá “Bảnh” khi bị bắt cũng trở về với đời sống thật, thừa nhận những sai phạm, hành vi đáng lên án mà anh này thực hiện trên mạng xã hội. Khá “Bảnh” đã khóc vì ăn năn, chứ không còn “huếnh” như những gì thể hiện trước đó trên mạng xã hội. Đó cũng là bài học cần thiết dành cho đối tượng bất hảo này, đồng thời cũng là lời cảnh báo với giới trẻ không nên tung hô những nhân vật có hành vi sai trái.

Không tiếp tay cho lối sống ảo trên mạng xã hội

Khá “Bảnh” bị bắt vì những tội danh rõ ràng, nhưng điều đáng nói, trên mạng xã hội hiện nay, những nhân vật “giang hồ” như Khá “Bảnh” còn rất nhiều và đang tiếp tục lây lan những hành động xấu tới cộng đồng.

Một loạt “giang hồ” với đời tư bất hảo như: Dương Minh Tuyền, Phú Lê, Dũng Trọc... thi nhau lập nên một cộng đồng mạng xã hội để gây chú ý (ngày 4-4, kênh riêng YouTube của "thánh chửi" trên mạng xã hội Dương Minh Tuyền đã bị nhà cung cấp dịch vụ YouTube xóa). Lối sống bất cần, cách hành xử coi thường pháp luật, thích gì làm nấy của những nhân vật này vẫn đang tiếp tục là những “con sâu” reo rắc những “mầm bệnh” về tư tưởng, hành vi xấu rất đáng lo ngại cho giới trẻ.

Vì sao những nhân vật “giang hồ”, những người mà trước kia chỉ nấp trong bóng tối để hành động, nay có thể công khai trắng trợn trên mạng xã hội những hành vi, lời nói, việc làm ngang ngược như vậy? Vì sao những nhân vật như Khá “Bảnh” lại có hàng nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội Facebook, hàng triệu người đăng ký xem trên kênh Youtube? Đó là những câu hỏi mà không ít người lớn phải giật mình.

Theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, mạng xã hội vốn như con dao hai lưỡi, mang đến nhiều lợi ích thông tin nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro, có tính lây truyền, kích thích đám đông. Trong xã hội, với những chuẩn mực đạo đức được đề cao thì đôi khi chính những “mảng tối” của cuộc sống lại kích thích sự tò mò, hấp dẫn con người.

Thế giới chuẩn tắc (được hiểu là những hành vi được quy định bởi các giá trị chuẩn mực, tích cực, chính thức) thường ràng buộc con người, định hướng cho mỗi người đi theo chuẩn mực xã hội với giá trị đã được định sẵn. Nhưng với những người trẻ, đặc biệt là lứa tuổi “ẩm ương”, đang đi tìm sự khác biệt, tìm “cái tôi” thì “thế giới chuẩn tắc” có thể khiến họ nhàm chán, và họ dễ bị hấp dẫn bởi những thứ vô nguyên tắc, những hành động điên rồ. Đó là lý do vì sao, những đối tượng giang hồ với hành động ngang ngược, bất cần dễ được đám đông giới trẻ tò mò, kích thích. Nhiều hành động điên rồ núp dưới những câu châm ngôn kiểu như “Việt Nam nói là làm” được cộng đồng mạng lầm tưởng là hành động “nghĩa hiệp”, dẫn đến những tung hô, a dua mà không cần suy nghĩ đúng - sai.

Cũng theo chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, một trong những nguyên nhân khiến cho những nhân vật như Khá “Bảnh” có “đất” để diễn những trò quái dị, phản cảm, thực hiện hành động phi pháp là bởi, những lợi ích thực tế mà đối tượng này kiếm được từ cộng đồng mạng.

Khá “Bảnh” từng được Youtube coi là nhân vật có thể sinh lời. Trang này sẵn sàng chi trả 5.000-6.000USD cho Khá “Bảnh” trong những tháng đầu tiên hoạt động, thời kỳ đỉnh điểm là 19.500USD (gần 500 triệu đồng) mỗi tháng. Vì lợi nhuận kiếm tiền trông thấy, những giang hồ như Khá “Bảnh” và cả không ít nhân vật được liệt vào hàng vô nguyên tắc, “nhảm nhí” như Bà Tưng… trước kia sẵn sàng thực hiện, thậm chí là có hẳn ê-kíp dàn dựng những clip gây “sốc” để thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Lối sống thực dụng, những hành động quái dị, vô văn hóa, coi thường đạo lý, luật pháp khi được tiếp tay bởi những đơn vị truyền thông đặt lợi nhuận lên trên hết thì sẽ tạo ra những kênh thông tin vô cùng nguy hiểm nhưng lại có sức hấp dẫn rất lớn với lứa tuổi mới lớn. Nếu không có sự định hướng kịp thời của người lớn thì lớp thiếu niên đang lớn, vốn có tâm lý thích thể hiện, ương bướng nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, rất dễ bị sa đà, ngập sâu vào sự “lệch chuẩn” ấy. Hậu quả là vô cùng khó lường.

Nhiều bạn trẻ có biểu hiện quá khích khi thể hiện tình yêu với thần tượng.

Cần có sự định hướng trong “văn hóa thần tượng”


Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trong xã hội văn minh, đủ đầy nhưng bạo lực học đường ngày một tăng với tính chất nghiêm trọng? Tại sao nhiều học sinh tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước sự mất mát của người thân, bạn bè nhưng lại có thể khóc ngất khi xem thần tượng biểu diễn? Tại sao thanh niên dễ nổi cáu, nóng giận, dẫn đến hành động phạm pháp? Có lẽ, khi cái xấu được cộng đồng a dua, cổ xúy thì những điều xấu ấy sẽ ngấm dần vào hành vi và nhận thức.

Theo Tiến sĩ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý giáo dục, các “giang hồ” mạng truyền cảm hứng cho giới trẻ chẳng khác nào sự nguy hại của trò chơi “Cá voi xanh”, “Thử thách momo” mà phụ huynh lo lắng bấy lâu. “Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm, bởi việc học sinh thần tượng những "giang hồ" mạng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Những hành vi vi phạm pháp luật được cổ vũ như hành động anh hùng sẽ góp phần làm tăng các vụ án nghiêm trọng về cả mức độ lẫn số lượng”, Tiến sĩ Vũ Thu Hương phân tích.

Thời đại công nghệ số mở ra cho con người nhiều tiện ích nhưng không ít thách thức. Chỉ cần một cái “chạm tay” vào màn hình smartphone, một click bấm trên tivi thời kết nối internet thì cả thế giới thông tin với đủ loại hình tốt - ấu bày ra trước mắt. Rủi ro, tiềm ẩn từ những thông tin độc hại chưa được kiểm duyệt sẽ là thách thức không nhỏ với bậc phụ huynh.

Trước kia, văn hóa thần tượng của giới trẻ đã từng được nói đến khá nhiều với không ít lo ngại. Khi trào lưu K-Pop xâm nhập vào thị trường giải trí Việt, không ít phụ huynh lo sốt vó vì những biểu hiện hâm mộ quá đà của con em mình. Nhiều học sinh bỏ bê học hành, sẵn sàng vạ vật ở sân bay nhiều giờ để săn đón thần tượng; hay như trường hợp một số học sinh trung học tranh nhau hôn ghế ngồi của thần tượng…

Tâm lý lứa tuổi với sở thích vượt khỏi sự hiểu biết của phụ huynh cùng những ảnh hưởng của đám đông bạn bè khiến cho “văn hóa thần tượng” của giới trẻ ngày càng khó nắm bắt, khó kiểm soát. Nhiều xu hướng thần tượng lệch lạc hiện diện rõ hơn. Hành động của giới trẻ với cộng đồng cũng có nhiều biểu hiện không giống với thế hệ trước.

Trả lời trên báo chí, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Thế hệ Z” (được hiểu là thế hệ những người sinh sau năm 2000) sinh ra cùng thời với mạng xã hội, có đủ kỹ năng để tiếp cận thế giới mạng, tiếp nhận thông tin từ bên ngoài. Điều này khiến cho thế hệ này độc lập hơn, tự tin thể hiện bản thân và cũng bày tỏ cái “tôi” lớn hơn. Sự thiếu hụt hiểu biết về thế hệ con em trong xã hội hiện đại khiến phụ huynh khó nắm bắt được diễn biến tâm lý, sở thích của con em mình".

Xu hướng thần tượng đến mê muội, cảm tính đang trở thành mối lo ngại về những hành vi lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên. Để ngăn chặn xu hướng này, không chỉ trông cậy sự vào cuộc, quản lý của cơ quan chức năng mà hơn hết là sự chung tay của gia đình, nhà trường trong tuyên truyền, nâng cao khả năng thẩm mỹ và nhân cách, đạo đức đối với giới trẻ.

"Văn hóa thần tượng" không xấu, nhưng thần tượng ai, thần tượng vì điều gì lại là vấn đề rất cần sự định hướng của người lớn. Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, để hiểu biết thế hệ này, các phụ huynh không nên áp đặt sự hiểu biết của mình với con em mình, mà cần tìm cách hiểu được tâm tư thế hệ trẻ, để từ đó có sự theo sát, hướng dẫn, điều chỉnh, định hướng cho con.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Thần tượng” lệch lạc - Hồi chuông báo động trong giới trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.