(HNM) - Sau hai ngày làm việc, cuộc tham vấn thương mại Mỹ - Trung Quốc vừa kết thúc tại Washington (Mỹ). Kết quả cuộc tham vấn được giới phân tích đánh giá có nhiều tín hiệu tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho vòng đàm phán cấp cao lần thứ 13 giữa hai nước dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.
Cuộc tham vấn lần này kết thúc sớm hơn dự kiến do đoàn Trung Quốc bất ngờ thay đổi kế hoạch, hủy dự định tới thăm một số trang trại nông nghiệp ở các bang Montana và Nebraska của Mỹ. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy triển vọng không mấy khả quan về việc Trung Quốc sẽ tiếp tục mua nông sản của Mỹ. Bắc Kinh đã quyết định ngừng hoạt động này từ tháng 4 vừa qua nhằm trả đũa các biện pháp thuế quan của Tổng thống D.Trump.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới và đã thu mua tới 60% sản phẩm đậu nành của Mỹ trong năm ngoái, đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản có giá trị tới 5,9 tỷ USD từ xứ Cờ hoa.
Giới phân tích nhận định, việc không đạt được kết quả cụ thể trong lần này không phải bất thường, vì các chuyên gia đàm phán chỉ ở cấp thứ trưởng, không có quyền "chốt" thỏa thuận. Thế nhưng, nhìn một cách khách quan, kết quả các cuộc gặp là tốt đẹp.
Theo Văn phòng của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, các cuộc đàm phán đã có hiệu quả và những thảo luận đều mang tính xây dựng, hướng tới các vấn đề thương mại - kinh tế hai bên cùng có lợi.
Trong khi đó, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kidlow nhận định, cuộc gặp lần này đã phần nào khai thông chuỗi đàm phán vốn đang rơi vào bế tắc do hàng loạt cáo buộc và sự suy giảm niềm tin giữa hai nước. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết, Bắc Kinh rất lạc quan về kết quả các cuộc thảo luận và sẵn sàng hướng tới vòng đàm phán cấp cao trong tháng tới.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đang diễn ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều có những động thái giúp giảm nhiệt căng thẳng. Cụ thể, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết, tổng cộng 437 loại hàng hóa của Trung Quốc (trong đó có dầm thép, thiết bị điện tử, máy bơm, máy lọc...) từng bị áp thuế ba đợt hồi năm ngoái sẽ được miễn thuế bổ sung trong khoảng một năm tới.
Tương tự, Trung Quốc thông báo miễn thuế bổ sung với một số nông sản và 16 mặt hàng khác của Mỹ. Tiếp đó, Tổng thống Mỹ D.Trump lại quyết định hoãn đánh thuế bổ sung với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1-10 sang ngày 15-10 với lý do Trung Quốc sẽ tổ chức lễ Quốc khánh vào dịp này.
Những động thái của Trung Quốc và Mỹ cho thấy hai bên đang rất nỗ lực tạo ra không khí hòa hoãn, thúc đẩy cuộc đàm phán hướng tới đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại gây tổn hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo ghi nhận của Công ty Nghiên cứu Rhodium Group, hoạt động đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ trong 6 tháng qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Cụ thể, những thỏa thuận vốn rủi ro và đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa hai nước trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 13 tỷ USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2018.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, trong lần tham vấn này, còn một số vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc chưa tìm được tiếng nói chung. Cụ thể, Trung Quốc không đưa ra bất cứ đề xuất nào về vấn đề tranh chấp, bảo vệ sở hữu trí tuệ trong khi phía Mỹ lại cho rằng đây là vấn đề gây nhiều tranh cãi, nó lớn hơn so với việc mua bán nông sản của Trung Quốc.
Vì thế, cuộc hội đàm vào đầu tháng 10 tới sẽ có sự tham gia của các nhà đàm phán chủ chốt hai nước Mỹ và Trung Quốc. Liệu hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể gỡ bỏ "nút thắt" để kết thúc chuỗi leo thang căng thẳng thương mại kéo dài 14 tháng qua hay không là điều dư luận đặc biệt quan tâm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.