Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thảm họa nhãn tiền

Thế Phương| 16/03/2011 06:39

(HNM) - Hàng nghìn người thiệt mạng, hàng chục nghìn người chưa xác định được số phận trong những đống đổ nát, hoang tàn của gần 30.000 tòa nhà. Điện mất, thông tin liên lạc bị đình trệ, giao thông tê liệt, hàng chục nghìn người dân không còn nhà và không thể trở về nhà.


Cơn động đất, các dư chấn và những cơn sóng thần đã, đang tàn phá xứ Hoa anh đào là thảm họa thiên nhiên khủng kiếp nhất kể từ hơn 140 năm qua tại Nhật Bản. Đến lúc này, người ta chưa thống kê được con số thiệt hại, nhưng các nhà kinh tế đã dự đoán đất nước Mặt trời mọc chắc chắn sẽ lâm vào một cơn suy thoái. Và không biết cơ sự sẽ tới đâu khi các cảnh báo về động đất và sóng thần tiếp tục được đưa ra.

Người dân Nhật Bản không xa lạ với động đất, nếu không muốn nói ngay trên ghế nhà trường họ đã học cách đối phó với thảm họa này. Với nguồn tài chính và công nghệ xếp vào hạng hàng đầu thế giới, nước này đã đầu tư không ít cho việc phòng tránh thiên tai. Thêm nữa, nhà chức trách Nhật Bản cũng đã liên tục cảnh báo người dân về thảm họa sẽ xảy ra và tổ chức đối phó. Nhưng không ít người dân xứ Hoa anh đào vẫn không thể tưởng tượng với những gì đã và đang diễn ra. Rõ ràng không ai có thể lường hết cơn giận dữ của thiên nhiên. Dù con người có thể đạt đến đỉnh cao của khoa học cũng trở nên quá nhỏ bé và không thể tránh khỏi những thảm họa ghê gớm ấy.

Đã đến lúc con người cần nhìn nhận lại hành vi ứng xử của mình để tìm cách hạn chế thấp nhất những rủi ro mà thiên nhiên có thể gây ra. Đặc biệt, khi hậu quả biến đổi khí hậu không còn là bóng ma, mà đã hiện hữu, bao trùm lên trái đất. Thảm họa thiên nhiên với nhiều hình thái đang đè nặng lên các quốc gia và ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình.

Với Việt Nam, khoan nói đến động đất và những dư chấn đã xảy ra và còn có thể xảy ra tại nhiều địa phương trong đó có Hà Nội, những cơn bão, lũ quái ác làm tang thương khúc ruột miền Trung những ngày tháng mười năm ngoái đã cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên đối với đất nước hình chữ S này. Chưa kể tình trạng hạn hán liên miên và kéo dài, rồi những trận lũ ống, lũ quét ở phía Bắc, triều cường ở phía Nam… Khí hậu không ngừng thay đổi. Mới đây, khi Trung tâm Khí tượng quốc gia thông báo về đợt rét Nàng Bân cũng là lúc gió Đông bắc ầm ập tràn vào biển Đông. Rõ ràng các hiện tượng thời tiết cực đoan đang có khuynh hướng gia tăng cả cường độ và tần xuất, kéo theo hệ lụy không thể cân đong, đo đếm được.

Chính phủ nhận thức rất rõ về vấn đề này và đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó như thông qua kịch bản biến đổi khí hậu và các chương trình hành động giảm nhẹ thiên tai. Thế nhưng không phải ai cũng nhận thức đầy đủ về thảm họa. Không ít kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu vẫn nằm trên bàn giấy của nhiều bộ, ngành, địa phương hoặc đóng khung ở những ý tưởng. Và trong bối cảnh hiện nay, mặc dù nguồn vốn cho các dự án phòng chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai sẽ được Chính phủ ưu tiên, nhưng cũng không thể đáp ứng cho hàng loạt dự án thủy lợi đã và đang bị đình trệ.

Biến đổi khí hậu gây tác động và tổn thất nặng nề đối với xã hội. Thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản một lần nữa cho thấy nhiệm vụ phòng chống thảm họa thiên tai luôn là vấn đề "nóng" của toàn thế giới. Và với Việt Nam - một đất nước đã và sẽ chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, vấn đề cấp bách là hình thành những cơ chế chính sách thích ứng trong một chương trình hành động liên ngành và có sự chung tay của cộng đồng để giảm thiểu những thảm họa có thể xảy ra. Thảm họa thiên tai không phải là bóng ma, chúng ta phải hành động khi chưa quá muộn .

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thảm họa nhãn tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.