Chính phủ Thái Lan ngày 11/3 bắt đầu triển khai lực lượng an ninh gồm 50.000 người trên các đường phố ở thủ đô Bangkok, đề phòng nguy cơ xảy ra tình trạng hỗn loạn và bạo lực trong cuộc biểu tình lớn chống chính phủ mà phong trào "áo đỏ" dự kiến bắt đầu tiến hành từ ngày 12/3.
Phát biểu với các phóng viên, Phó Thủ tướng Thái Lan phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban - người được chỉ định điều hành các hoạt động kiểm soát an ninh - cho biết lực lượng an ninh được triển khai gồm 30.000 binh sĩ quân đội, 10.000 cảnh sát và 10.000 dân phòng.
Những người biểu tình tụ tập tại Bangkok ngày 11/3. (Ảnh: Reuters) |
Theo ông Thaugsuban, những người biểu tình đi vào các khu vực quân sự hoặc các đồn cảnh sát sẽ bị coi là những phần tử khủng bố và sẽ bị trấn áp bằng vũ lực. Các trạm kiểm soát đã được lập ở trong và ngoại ô thủ đô Bangkok để kiểm tra những người từ các tỉnh khác đến tham gia biểu tình, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc.
Chính phủ Thái Lan đã quyết định áp dụng "Luật an ninh nội địa" (ISA) để đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra biểu tình, theo đó cho phép triển khai quân đội, áp dụng lệnh giới nghiêm và cấm tụ tập.
Lực lượng "áo đỏ" ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cho biết dự tính có 600.000 người tham gia cuộc biểu tình qui mô lớn, tuy nhiên khẳng định cuộc biểu tình này sẽ diễn ra hòa bình. Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan ước tính khoảng 100.000 người sẽ tham gia cuộc biểu tình này.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, người phát ngôn Bộ chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa của Thái Lan (ISOC), Thiếu tướng Ditthaporn Sasasamit ngày 11/3 đã bác bỏ tin đồn sẽ xảy ra một cuộc đảo chính quân sự trước khi cuộc biểu tình bắt đầu.
Thiếu tướng Ditthaporn khẳng định việc triển khai một số lượng lớn binh sỹ quân đội ở thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận nhằm thực thi các biện pháp an ninh, đảm bảo hòa bình, trật tự và kỷ cương trước cuộc biểu tình của phe "áo đỏ." Vì thế người dân không có lý do gì để lo ngại đó là sự chuẩn bị cho một cuộc đảo chính quân sự như tin đồn.
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan Chai Chidchob cho biết nếu được các bên liên quan nhất trí, Quốc hội có thể trở thành nơi diễn ra các cuộc đàm phán về những bất đồng chính trị giữa chính phủ và phong trào áo đỏ./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.