(HNM) - Quyết định xem lại tư cách nghị sỹ của bà Yingluck Shinawatra chưa từng có tiền lệ của Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) cuối cùng đã không đảo lộn trật tự chính trị vừa xuất hiện sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua ở xứ Chùa Vàng.
Cơn bão chính trị được dự báo sẽ lại nhấn chìm xứ Thái trong bế tắc chính trường vừa tan khi EC chính thức công nhận nữ chính trị gia là một thành viên của Quốc hội. Với phán quyết khiến phe "áo đỏ" như vỡ òa trong mừng vui, chướng ngại lớn nhất cản trở doanh nhân 44 tuổi trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan đã bị loại bỏ.
Bà Yingluck Shinawatra đã tiến gần đến chiếc ghế Thủ tướng Thái Lan sau quyết định công nhận bà là nghị sỹ của EC. |
Vậy là, thông điệp về niềm khát khao được sống trong ổn định cả về chính trị lẫn xã hội mà phần lớn người dân Thái Lan thể hiện qua lá phiếu đã được lắng nghe. Sau những hiềm khích nối tiếp giữa các chính đảng, những "trận chiến" đường phố liên miên, dường như bất kỳ người dân Thái Lan nào cũng khát khao sự bình yên. Vì thế, chính thức ghi tên em gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra vào bản danh sách nghị sỹ, EC đã xóa bỏ những cáo buộc mua phiếu bầu và dính líu tới các chính trị gia bị cấm hoạt động nhằm vào Thủ tướng tương lai. Quan trọng hơn, sự kiện này đã không chỉ làm yên lòng những người ủng hộ đảng Vì nước Thái (PT) mà còn khẳng định một nhận thức, các thế lực chính trị tại Thái Lan đã chấp nhận sự thay đổi đang diễn ra.
Thế nhưng, kết quả của EC cũng là một cảnh báo với bà Yingluck rằng con đường phía trước dù đã rộng mở nhưng cũng thật nhiều gian nan. Nhất cử nhất động của ứng viên vị trí lãnh đạo đất nước từng bị chia rẽ bởi những mâu thuẫn đảng phái sâu sắc chắc chắn sẽ luôn được để mắt. Do đó, nữ thủ tướng tương lai của Thái Lan sẽ khó có được "tuần trăng mật" hậu bầu cử như mong muốn. Để có một chính phủ liên hiệp ổn định, PT phải bằng mọi giá dung hòa được sự xung đột giữa các nhóm lợi ích luôn như quả bom hẹn giờ trên chính trường. Nếu không, khả năng tân chính phủ buộc phải hạ cánh giữa chừng là hoàn toàn có thể. Khó khăn lớn nhất với nữ chính khách chưa từng nắm một vị trí nào trong nội các xứ Chùa Vàng là điều hòa mối quan hệ vốn khó khăn giữa lực lượng "áo xanh" của quân đội và phe "áo đỏ" cũng như "áo vàng". Tuyên bố không kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng của bà Yingluck như đồn đoán đã tạm thời làm hài lòng lực lượng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với vận mệnh của các chính phủ Thái Lan. Dẫu vậy, tìm kiếm được một nhân vật đứng đầu lực lượng mà một bộ phận trong đó đã đứng sau cuộc đảo chính gia tộc đang là một thách đố với nữ chủ nhân đầu tiên của chiếc ghế Thủ tướng.
Như thế không có nghĩa là bà Yingluck đã hoàn thành lời hứa với những người ủng hộ khi nền kinh tế số 2 Đông Nam Á đang bị chao đảo bởi bất ổn chính trị kéo dài. Muốn duy trì được niềm tin của cử tri, bà Yingluck còn phải hiện thực hóa cam kết tranh cử bằng việc mang lại cho những người ủng hộ một cuộc sống đầy đủ, ấm no hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để thực hiện trọng trách này, tân chính phủ Thái không dễ nhanh chóng áp dụng các chính sách cải cách vì người nghèo.
Trong hàng loạt thử thách, số phận của cựu Thủ tướng Thaksin hiện là câu chuyện khơi gợi không ít sự chú ý. Thật khó thuyết phục khi tin rằng PT không tìm cách để tỷ phú này chấm dứt cuộc sống lưu vong. Nhưng trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, một lệnh ân xá cho chính trị gia có ảnh hưởng lớn tại Thái Lan này cũng đồng nghĩa với việc mang đến giông tố và sẽ trả giá bằng tuổi thọ ngắn ngủi của chính phủ non trẻ. Vượt qua những giông bão đầu tiên và dù đã tiến đến chiếc ghế Thủ tướng, nhưng dường như bầu trời vẫn chưa hửng sáng với bà Yingluck, vẫn thật khó lường được sự thành bại ngay trên con đường công danh vừa mở ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.