(HNM) - Vụ kiện gây tranh cãi kéo dài nhiều tháng qua trên chính trường Thái Lan do đảng Dân chủ (DP) đối lập đứng đầu khởi kiện đảng Vì nước Thái (Puea Thai) cầm quyền và một số tổ chức tham gia tiến trình sửa đổi Hiến pháp cuối cùng đã đi đến hồi kết.
Phán quyết mới nhất của Tòa án Hiến pháp Thái Lan ngày 13-7 cho rằng, dự luật sửa đổi Hiến pháp do Puea Thai khởi xướng là hợp hiến đã làm dịu đi bầu không khí căng thẳng nhiều ngày qua tại Bangkok khi Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) với lực lượng nòng cốt là phe "áo đỏ" dọa sẽ biểu tình toàn quốc nếu tòa tuyên án bất lợi cho Puea Thai cầm quyền.
Cảnh sát được tăng cường xung quanh khu vực tòa án sau phán quyết mới nhất của Tòa án Hiến pháp Thái Lan. |
Để trả lời câu hỏi mấu chốt của vụ kiện là việc sửa đổi điều 291 Hiến pháp Thái Lan mà Quốc hội nước này đang tiến hành có thuộc tội danh xóa bỏ hoàn toàn bản Hiến pháp hiện nay hay làm thay đổi chế độ Quân chủ lập hiến hay không, 8 thẩm phán đã làm việc căng thẳng suốt một tuần qua. Sau các phán quyết riêng rẽ của từng thẩm phán, tòa đã đưa ra phán quyết cuối cùng tập trung vào 4 nội dung chính. Thứ nhất là xác định tính pháp lý đúng đắn quyền được khởi kiện trực tiếp lên Tòa Hiến pháp của bên nguyên. Thứ hai, hủy toàn bộ 5 nội dung tố cáo của bên nguyên bởi chưa hội đủ yếu tố cấu thành các tội danh như bên nguyên xác định. Thứ ba, xác định tiến trình sửa đổi Hiến pháp mà Quốc hội đang tiến hành là không phù hợp với Hiến pháp Thái Lan và tòa đề nghị Quốc hội có thể tiến hành sửa đổi Hiến pháp nhưng phải qua trưng cầu ý dân trước khi định sửa đổi toàn bộ bản Hiến pháp. Thứ tư, tòa cho rằng các đảng phái và tổ chức chính trị chưa có các hành vi xóa bỏ chế độ Quân chủ lập hiến do nhà vua là Nguyên thủ tại Thái Lan, vì vậy tòa không xem xét việc giải tán các chính đảng cũng như xác định trách nhiệm của các tổ chức xã hội.
Đã 48 giờ trôi qua kể từ sau phán quyết của tòa, những người biểu tình "áo đỏ" với biểu ngữ trên tay đã vắng hẳn trước trụ sở Tòa án Hiến pháp Thái Lan. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa Bangkok đã hoàn toàn yên bình. Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, phán quyết chỉ tạm thời làm cân bằng giữa các phe phái trong lúc "nước sôi lửa bỏng" hiện nay khi nó không gây bất lợi cho DP đối lập nhưng cũng chẳng ưu ái Puea Thai cầm quyền. Với phán quyết này, chắc chắn tiến trình sửa đổi Hiến pháp do Puea Thai khởi xướng sẽ không thể diễn ra nhanh chóng. Thế nhưng, phán quyết lại mở ra cho Puea Thai cơ hội đưa dự thảo sửa đổi Hiến pháp ra thảo luận tại Quốc hội sau khi bị Tòa án Hiến pháp ra lệnh tạm ngưng hồi tháng 6, một quyết định gây tranh cãi về thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp với cơ quan lập pháp.
Dù đã có kết luận cuối cùng của Tòa án Hiến pháp nhưng dự luật sửa đổi Hiến pháp do Puea Thai cầm quyền khởi xướng một lần nữa đang trở thành nguyên nhân gây rạn nứt không đáng có trên chính trường Thái Lan. Chắc chắn Puea Thai cầm quyền của Thủ tướng Thaksin Shinawatra sẽ không dễ dàng từ bỏ quyết tâm sửa đổi Hiến pháp khi coi đây là một phần trong nỗ lực đem lại hòa giải cho xứ Chùa Vàng sau bảy năm căng thẳng chính trị, cũng như xóa bỏ một Hiến pháp do Chính phủ lâm thời được quân đội hậu thuẫn lập ra năm 2007. Ngược lại, với DP đối lập, cũng sẽ không dễ chấp nhận một dự luật sửa đổi Hiến pháp mà theo họ là chỉ nhằm minh oan và dọn đường hồi hương cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ vào năm 2006. Để dung hòa được lợi ích giữa hai quan điểm này quả là không dễ với nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Chính trường Thái Lan đang phân cực rõ ràng giữa một bên ủng hộ và bên kia phản đối dự luật sửa đổi Hiến pháp. Một số chuyên gia phân tích đã không quá khi nhận định rằng, chính trường Thái Lan đang chứng kiến một trò chơi tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, mà lẽ ra họ nên quan tâm đến cuộc sống của hơn 60 triệu dân hiện nay. Đây sẽ là những thách thức với Thủ tướng Yingluck Shinawatra trong bối cảnh những bất ổn luôn tiềm ẩn ở xứ Chùa Vàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.