Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan Sawaeng Boonmee ngày 10-5 cho biết Trung tâm điều hành phản ứng và giám sát mối đe dọa an ninh mạng đã được thành lập để đảm bảo tính minh bạch trong cuộc bầu cử.
EC đã phối hợp với Cơ quan An ninh mạng quốc gia, Văn phòng Ủy ban bảo vệ dữ liệu cá nhân, Cục Điều tra tội phạm mạng, Cục Quản lý đăng ký và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viễn thông quốc gia để thành lập trung tâm trên.
Ông Sawaeng cho hay EC nhận trách nhiệm về những sai sót trong cuộc bỏ phiếu sớm hôm 7-5 và sẽ ngăn chặn những sai lầm như vậy xảy ra vào ngày bầu cử chính thức 14-5.
Ông Sawaeng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ giữ tất cả các lá phiếu an toàn và sẽ không có gian lận phiếu bầu".
Trả lời câu hỏi của một ứng cử viên của đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) về quan sát viên bầu cử, ông Sawaeng khẳng định EC khuyến khích tất cả các ngành hợp tác với EC trong việc quan sát bầu cử.
Nhưng nếu các bên muốn cử quan sát viên của riêng mình, họ phải thông báo trước cho EC trong vòng 15 ngày tính từ ngày bỏ phiếu theo Điều 55 của Đạo luật Tổ chức về bầu cử thành viên Hạ viện. Họ cũng phải tự chịu trách nhiệm về chi phí của mình.
Trước đó, ngày 9-5, Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan cũng đã cam kết sẽ không để xảy ra sai sót trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, sau khi thừa nhận những sơ suất trong cuộc bầu cử sớm diễn ra ngày 7-5 vừa qua.
Không giống như bầu cử sớm, vào ngày bầu cử, các cử tri sẽ bỏ phiếu tại các điểm bầu cử tương ứng của họ, trong đó các lá phiếu niêm phong được gửi đến khu vực bầu cử của cử tri để kiểm phiếu.
Trong cuộc bầu cử sớm ngày 7-5, EC đã nhận một số khiếu nại, trong đó có việc các quan chức tại một điểm bỏ phiếu đã sơ suất đặt mã bưu điện thay vì mã khu vực bầu cử trên khoảng 100 phong bì phiếu bầu. Khoảng 2,35 triệu cử tri Thái Lan đã đăng ký bỏ phiếu trước trong cuộc bầu cử sớm được tổ chức ngày 7-5 vừa qua. Gần 50 triệu cử tri còn lại sẽ thực hiện quyền công dân của mình vào ngày bầu cử 14-5.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.