Thái Lan đã triển khai hàng ngàn cảnh sát chống bạo động ở Bangkok vào ngày hôm nay 14/2 nhằm tái chiếm các trụ sở chính phủ và các khu vực khác bị những người biểu tình phản đối chính phủ chiếm giữ từ lâu.
Giới chức trách Thái Lan dự kiến tái chiếm nhiều địa điểm, trong đó có tòa nhà chính phủ, bộ nội vụ. Theo người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut, giới chức trách cũng sẽ cố gắng đàm phán với người biểu tình trước.
“Chúng tôi sẽ tái chiếm bất kỳ nơi nào chúng tôi có thể và bắt giữ những lãnh đạo biểu tình”, ông cho hay. “Đây không phải là một cuộc đàn áp mà là thi hành luật ở các địa điểm biểu tình.”
Cảnh sát chống bạo động gác một sân vận động ở Bangkok ngày 14/2. |
Hoạt động tái chiếm có vẻ như đã tập trung ở quận chính phủ, chứ không phải các giao lộ chính ở khu trung tâm thương mại, khu vực đã trở thành “sào huyệt” chính của người biểu tình trong những tuần gần đây, khi họ phát động cuộc “đóng cửa Bangkok”.
Các lãnh đạo của hoạt động phản đối chính phủ đã kêu gọi 2 ngày biểu tình lớn bắt đầu vào ngày hôm nay 14/2.
Theo AFP, giới chức an ninh đã dẹp khu biểu tình gần văn phòng của Thủ tướng Yingluck Shinawatra, mà bà không thể sử dụng được khoảng 2 tháng nay.
Cảnh sát chống bạo đã dỡ bỏ lều bạt của người biểu tình và cảnh báo họ không được kháng cự qua loa phóng thanh. Họ cũng thu giữ vũ khí trái phép tại đây. Không có thông tin về đụng độ.
Chính phủ đang “giành lợi thế”
Chính phủ của Thủ tướng Yingluck đã tổ chức tổng tuyển cử vào đầu tháng này nhằm làm lắng dịu các cuộc biểu tình trên đường phố của phe đối lập kéo dài suốt hơn 3 tháng, nhằm đòi bà từ chức.
Những người biểu tình muốn thành lập một “Hội đồng Nhân dân” không cần bầu cử để thực hiện những cải cách nhằm đối phó với nạn tham nhũng và nạn “mua phiếu bầu” trước khi tổ chức bầu cử. Đảng đối lập chính, Đảng Dân chủ, đã tẩy chay cuộc bầu cử ngày 2/2 và tuyên bố sẽ không chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị vốn bắt đầu từ năm 2006, khi anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin Shinawatra, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.
Những người biểu tình cũng đã ngăn được 10.000 điểm bỏ phiếu không thể mở cửa vào ngày 2/2, làm ảnh hưởng đến nhiều triệu cử tri mà hầu hết là ở các “sào huyệt” của phe đối lập tại Bangkok và miền nam.
Người biểu tình đã chiếm các giao lộ chính ở thủ đô từ 13/1, mặc dù cuộc sống thường nhật của người dân không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Số lượng người biểu tình cũng giảm mạnh, với gần như toàn bộ các địa điểm biểu tình đã bị bỏ trống trong ngày. Buổi tối họ mới tham gia biểu tình.
Ủy ban bầu cử Thái Lan hôm thứ ba vừa qua đã định ngày 27/4 để bầu lại ở các địa điểm bị người biểu tình cản trở trong ngày tổng tuyển cử 2/2.
Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định đối với “số phận” của 28 khu vực bầu cử không có ứng cử viên, do người biểu tình ngăn chặn tiến trình đăng ký bầu cử.
Hôm thứ tư vừa qua, chính phủ của bà Yingluck đã được khích lệ khi phe đối lập đã bị thua trước nỗ lực pháp lý nhằm hủy bỏ cuộc bầu cử hồi tháng 2. Song bà Yingluck vẫn đang đối mặt với cuộc điều tra của một ủy ban chống tham nhũng, trước khả năng bà đã lơ là trách nhiệm trong chính sách trợ giá gạo. Điều này có thể khiến bà phải ra điều trần.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.