(HNM) - Hy vọng thủ đô Bangkok có thể nằm ngoài tác động của cơn lũ dữ đã trở nên mong manh hơn khi Thị trưởng Sukhumbhand Paribatra đã phải tuyên bố 7 quận phía Đông...
Lực lượng quân đội đã được huy động để giúp người dân sơ tán khỏi những khu vực nguy hiểm được cho là có thể bị nhấn chìm trong 24 giờ tới. Làn sóng tích trữ lương thực, thực phẩm để phòng thân của người dân lập tức hối hả trở lại. Cát là vật tư đang được xem là hàng hiếm khi xuất hiện lo ngại kênh Rangsit có thể bị vỡ giữa lúc nước đã tràn về một số tuyến đường ở phía Bắc thủ đô xứ Chùa Vàng.
Người dân thủ đô Bangkok đang vật lộn đối phó với trận lũ lụt lịch sử. |
Từ nhiều ngày qua, những hàng rào chống lũ bằng các bao tải cát đã được dựng lên dọc sông Chao Phraya cũng như nhiều khu vực quan trọng của Bangkok với nỗ lực ngăn dòng nước dữ đang đổ về thành phố 12 triệu dân. Tình trạng khẩn cấp hiện nay làm xuất hiện nhiều hoài nghi về khả năng Bangkok sẽ hoàn toàn bình an trong trận lũ tồi tệ nhất suốt nửa thế kỷ qua như nhận định của Chính phủ trước đó. Diễn biến bất thường của dòng nước khiến nhà chức trách Thái Lan phải nhìn nhận một thực tế rằng chưa thể loại bỏ nguy cơ Bangkok bị nước phong tỏa, đặc biệt tại các vùng đất thấp trong thành phố. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhìn chung nước lũ vẫn đang trong tầm kiểm soát và Chính phủ Thái Lan đang đặt niềm tin Bangkok sẽ thoát hiểm với kế hoạch gia cố tuyến đê ngăn lũ dài 4km dọc sông Chao Phraya, khơi thông và đào thêm một số con kênh để lượng nước ước tính khoảng 4.000m3/s qua con sông này có thể nhanh chóng thoát ra Vịnh Thái Lan.
Mặc dù hy vọng trái tim của Thái Lan có thể vượt qua trận lũ lụt lịch sử nhưng với 60/77 tỉnh ngập trắng suốt gần 3 tháng qua - bắt đầu từ ngày 25-7 - làm ít nhất 300 người thiệt mạng, hơn 8,6 triệu người bị ảnh hưởng, 4 triệu mẫu đất nông nghiệp bị xóa sổ và 700.000 ngôi nhà bị hư hại, mức thiệt hại kinh tế dự tính lên tới hàng chục tỷ USD. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ phải gánh chịu những di chứng nặng nề trong cơn hồng thủy khi trung tâm lắp ráp và sản xuất linh kiện cho nhiều tập đoàn điện tử, chế tạo xe hơi như Toyota, Honda, Canon, Nikon của Nhật Bản hay Ford, Seagate, Western Digital của Mỹ tại nước này gần như bị tê liệt. Hậu quả không chỉ là hàng ngàn chiếc xe không thể xuất xưởng, hàng trăm ngàn nhân công phải nghỉ việc mà còn ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Thái Lan đang rất cần sự chấn hưng sau những ngày dài bất ổn chính trị. Có tính toán cho rằng, với những tổn thất nặng nề mà trận lũ để lại cho xứ Chùa Vàng, GDP của Thái Lan trong quý IV sẽ bị kéo về mức âm 1,1% trong khi tăng trưởng của cả năm sẽ mất khoảng 1,5%. Do đó, ngân khoản 3,3 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với tính toán trước đó mà chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra dự kiến phải chi khẩn cấp cho quá trình tái thiết hậu lũ lụt sẽ là thử thách đầu tiên đối với chính phủ còn non trẻ của Thái Lan. Gánh lo này càng nặng nề hơn khi Thủ tướng Yingluck vừa phải quyết định tăng khoảng 40% mức lương tại Bangkok và 6 tỉnh khác lên 300 bath/ngày từ tháng 4-2012 theo đúng cam kết như đã đưa ra khi tranh cử vào chiếc ghế lãnh đạo đất nước.
Cho đến nay, trận chiến với "giặc nước" của Thái Lan vẫn đang ở giai đoạn nguy hiểm nhất. Thế nhưng, hình ảnh hàng nghìn người tình nguyện cùng đóng gói hàng cứu trợ tại trung tâm cứu trợ chính ở sân bay Don Muang đã mang lại cảm giác ấm áp khác lạ. Trái với làn sóng biểu tình gây chia rẽ sâu sắc trước đây, dường như cơn thiên tai nghiêm trọng đang đem lại sự đoàn kết mới tại đất nước thường xuyên xáo trộn bởi các xung đột chính trị. Dư luận khu vực và thế giới hy vọng sau hoạn nạn này, một quỹ đạo mới của sự gắn kết và ổn định sẽ đến với xứ Chùa Vàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.