Tòa án Hiếp pháp Thái Lan hôm 7/5 đã cách chức nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và 9 bộ trưởng vì tội lạm quyền. Nội các ngay sau đó đã chỉ định một phó thủ tướng làm thủ tướng tạm quyền thay thế bà Yingluck.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Niwattumrong Boonsongpaisan đã được các thành viên còn lại trong nội các chỉ định làm thủ tướng tạm quyền. |
“Nội các đã nhất trí chỉ định ông Niwattumrong Boonsongpaisan làm thủ tướng lạm quyền”, ông Phongthep Thepkanjana, một phó thủ tướng khác, cho biết.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết rằng bà Yingluck đã phạm tội lạm quyền khi thuyên chuyển một quan chức an ninh cấp cao vào năm 2011.
“Do đó, cương vị thủ tướng của bà Yingluck đã chấm dứt… Bà Yingluck không còn giữ vai trò quyền thủ tướng nữa”, một phẩm phán cho biết trong một tuyên bố được phát trực tiếp trên truyền hình.
9 bộ trưởng nội các, vốn ủng hộ quyết định thuyên chuyển ông Thawil Pliensri khỏi chức vụ tổng thư ký Hội đồng an ninh quốc gia, cũng bị cách chức.
Xuất hiện tại tòa án ngày 6/5, bà Yingluck đã bác bỏ các cáo buộc nói rằng đảng cầm quyền của bà đã được hưởng lợi từ việc thuyên chuyển trên.
Tuy nhiên, tòa án vẫn ra phán quyết chống lại bà, nói rằng một người thân đã được hưởng lợi từ quyết định thuyên chuyển.
Bà Yingluck đã bác bỏ các cáo buộc chống lại mình. |
Một cố vấn của bà Yingluck, Nopaddon Pattama, cho rằng phán quyết của tòa án là mang tính ép buộc.
“Bà ấy thực sự không có lựa chọn nào khác là phải tuân thủ quyết định vì hiến pháp quy định rằng phán quyết của tòa là bắt buộc đối với tất cả các bên, mặc dù chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc biểu tình chính trị”, ông Nopaddon nói.
Ông Nopaddon cho hay, các thành viên còn lại của nội các sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của họ cho tới khi nội các mới được thành lập.
Hồi đầu tháng này, đảng Pheu Thai cầm quyền đã kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 20/7 để thiết lập một chính phủ mới, sau khi cuộc bầu cử hồi tháng 2 bị cho là không hợp lệ. Tuy nhiên, ngày bầu cử này chưa được sắc lệnh hoàng gia ủng hộ.
Chính trường Thái Lan đã chứng kiến nhiều tháng bế tắc chính trị từ sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra từ cuối năm 2013.
Giới phân tích cho rằng phán quyết hôm nay của Tòa án Hiến pháp có khả năng sẽ dẫn đến làn sóng biểu tình mới của phe ủng hộ bà Yingluck.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.