(HNM) - Từ lâu lắm rồi, người dân xã Thái Hòa, huyện Ba Vì đã phải sống chung với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Năm nay,
Cận cảnh làng khát
Phú An là một trong 6 làng của xã Thái Hòa và là nơi có nhiều "huyền thoại" nhất về thiếu nước sinh hoạt (NSH), bởi lẽ hầu hết các hộ đều sống trên đồi cao. Cả thôn hiện có 114 hộ thì tới 100 hộ thiếu NSH thường xuyên. Có những cụ già lưng đã còng gập bởi sáu, bảy chục năm phải gánh nước về ăn, nay ở cái tuổi "gần đất xa trời" vẫn chưa được một ngày vơi nỗi lo thiếu nước.
Những ngày chớm hè, Phú An ngột ngạt đến khó tả, mặc dù trước khi vào thôn một vị lãnh đạo xã Thái Hòa đã dặn: "Đường vào thôn Phú An gập ghềnh, khó đi lắm, nhưng cũng không thể so sánh được với nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt của các hộ dân". Tuy vậy, đến Phú An chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy từ đầu đến cuối làng, bất cứ giếng nào có nước đều được mắc ống bơm nước, đều thấy những người gánh đôi thùng nước trĩu nặng về nhà. Ở các ao quanh làng, các bà các chị tranh thủ giặt giũ quần áo, chăn chiếu…
Không có tiền xây bể, người dân phải quây bạt để chứa nước. |
Lòng vòng hỏi thăm mãi chúng tôi mới đến được nhà ông Chu Văn Chờ, Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Phú An. Con đường làng gập ghềnh đất đá, bụi phủ đỏ đường, xe máy phải "cài" số hai rồi tăng hết ga mới vượt qua được con dốc cao, lên tới nhà ông Chờ. Ngôi nhà cấp bốn nằm chon von trên quả đồi cao hơn chục mét so với mặt đường làng. Khu vườn quanh nhà ông rộng 700m2 trồng toàn bạch đàn, đất đai trắng phớ, cỏ cây trơ trụi. Khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về vấn đề thiếu NSH trong thôn, ông Chờ như được khơi đúng "mạch nguồn": "Khổ lắm các chị ạ! Các chị có lên đây mới hiểu được cuộc sống của người dân chúng tôi. Ai chẳng muốn trồng dăm ba luống rau trong vườn, nhưng người còn không có nước ăn, lấy đâu ra nước mà tưới cây? Chỉ mong có những cơn mưa, may ra mới giúp được người dân Phú An thoát khỏi cảnh khát…".
Ông Chờ rầu rầu kể: "Mẹ tôi bảo từ ngày tôi lọt lòng, làng này đã thiếu NSH. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì thiếu nước độ 5-6 tháng, còn năm khô hạn thì tới chục tháng ròng cả làng khan nước, giếng khơi luôn cạn trơ đáy. Cuộc sống chẳng khá giả, nhưng để lo cho gia đình khi NSH quý hơn "vàng", năm 2006 tôi đã liều làm hồ sơ vay vốn ngân hàng 15 triệu đồng, xây một cái giếng lớn (đường kính 1,8m, sâu 9m) chứa nước. Từ ngày có giếng, gia đình tôi không phải đi gánh nước nữa. Nhưng mỗi tháng phải chi 200-300 nghìn đồng thuê người bơm nước từ sông Đà vào giếng…".
Phú An có mấy hộ được như nhà ông Chờ? Cuộc sống khó khăn, lo ăn, lo học còn chưa đủ nói chi đến chuyện bỏ ra vài chục triệu xây giếng chứa nước. Vì vậy, các hộ đành chấp nhận làm "bạn" với những cái giếng công cộng, những ao rìa làng và nước sông Đà. Dẫu biết rằng nguồn nước ở những nơi đó không bảo đảm vệ sinh, nhưng "cực chẳng đã", người dân vẫn phải nhắm mắt dùng liều. Căn nhà tạm của gia đình bà Phùng Thị Lợi rộng hơn chục mét vuông chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ kỹ do một người họ hàng cho. "Cơ cực lắm các chị ạ! Tôi sống một mình, bệnh tật quanh năm, tiền mua thuốc không đủ thì lấy đâu ra tiền xây giếng, mua nước" - bà Lợi tâm sự. Xóm Mới thôn Phú An có 26 hộ thì chỉ 4 hộ có nước giếng khơi, số còn lại năm nào cũng thiếu nước 7-8 tháng, cuộc sống khó càng thêm khó.
Có lẽ người thấm nỗi khổ thiếu nước nhất phải kể đến cụ Phùng Thị Thìn. Năm nay cụ 94 tuổi và cũng là một trong số ít cụ cao tuổi nhất làng. Dáng người nhỏ thó, khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt cũng đã mờ nhưng trí nhớ của cụ vẫn tuyệt vời. Năm 17 tuổi cụ về làm dâu ở Phú An. Cũng từ đó đến nay, thoát khỏi cảnh thiếu NSH vẫn mãi là giấc mơ cả cuộc đời cụ. Những năm khó khăn, nhà không có giếng khơi nên sáng nào cũng vậy, trời chưa tỏ mặt người, cụ đã phải đi gánh nước ở các giếng làng cách nhà tới hơn một cây số. Giờ già rồi, không còn phải gánh nước nữa nhưng cụ lại thương các cháu, lo cơm áo gạo tiền chưa xong, lại còn thêm nỗi lo thiếu nước…
Sợ thiếu nước hơn thiếu gạo
Không chỉ có làng Phú An, mà 5 làng của xã Thái Hòa gồm Phú Nhiêu, Cộng Hòa, Thuận An, Trung Hà và Chu Mật đều cùng cảnh thiếu NSH. Có một nghịch cảnh đang diễn ra là hầu hết các hộ đều sợ thiếu nước hơn… thiếu gạo. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Thái Hòa, xã có 2.092 hộ thì có tới 1.300 hộ triền miên sống trong cảnh thiếu nước tới 7-8 tháng. Thôn Trung Hà có 550 hộ thiếu NSH, trong đó 85% số hộ phải bơm nước sông về sử dụng, hoặc bơm về vườn để nước thẩm thấu xuống giếng khơi, rồi múc lên ăn, uống.
Xóm Đồi Cạn, thôn Cộng Hòa còn khốn khổ hơn. Không thể bơm nước sông Đà về vì khoảng cách quá xa nên nhiều năm nay, khoảng 130 hộ dân trong xóm thường xuyên bơm nước từ kênh thủy lợi TH2 về lọc, sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Những lúc kênh cạn, họ phải mua nước từ những người ở xã Phú Sơn chở sang bán. "Trời nắng nóng thế này mà không có nước, mọi sinh hoạt hằng ngày từ tắm giặt, rửa rau, vo gạo, chăn nuôi đều phải tính toán sao cho tiết kiệm. Thật cơ cực quá!" - bà Chu Thị Hải buồn bã. Mặc dù các hộ dân đã nỗ lực đào nhiều giếng khơi, giếng khoan nhưng chẳng giếng nào có nước. Theo tính toán của các hộ dân Cộng Hòa, mặc dù mỗi tháng phải chi 250-400 nghìn đồng để mua nước nhưng phải sử dụng tằn tiện mới đủ. Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm nước ở Thái Hòa được xác định là do các thôn ở trên đồi, gò cao nên vào mùa khô giếng khơi đều cạn. Nhiều hộ đã cố gắng đào giếng thật sâu, mong tìm thấy nguồn nước, nhưng được khoảng chục mét là đến lớp than non nên không thể có nước.
Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Phùng Văn Đô trăn trở: "Trong các cuộc họp dân, hay tiếp xúc cử tri, có đến hàng nghìn lượt ý kiến của người dân đề cập vấn đề thiếu NSH, mong muốn Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân. Nay dự án đã có, đường ống nước đang lắp, nhưng chưa biết đến bao giờ, nhân dân xã tôi mới được sử dụng nước sạch?". Giải tỏa thắc mắc của chúng tôi, vị chủ tịch xã cho biết: Năm 2011, huyện Ba Vì đã lập và được UBND TP phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho 4 xã Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Vật Lại bị mất đất phục vụ dự án mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ và các xã vùng lân cận huyện Ba Vì. Dự án có tổng kinh phí hơn 358 tỷ đồng, ngân sách TP hỗ trợ 90%, huyện Ba Vì 10%, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I, tổng mức đầu tư 169,593 tỷ đồng. Ngày 1-12-2012, dự án chính thức khởi công xây dựng, dự kiến đến 31-11-2013 hoàn thành... Tuy nhiên, đến nay dự án mới được cấp 28,25 tỷ đồng vốn, còn lại là do đơn vị thi công tự bỏ tiền "túi" để đẩy nhanh tiến độ. Được biết, cuối tháng 3-2013, UBND huyện Ba Vì đã đề nghị UBND TP, Sở Kế hoạch & Đầu tư xem xét, bố trí kế hoạch vốn bổ sung 30 tỷ đồng cho dự án nước sạch trong năm 2013. Vẫn biết là còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế chung, nhưng đây là dự án nước sạch cấp bách phục vụ đời sống dân sinh, nếu được TP quan tâm "rót" đủ vốn, người dân 4 xã của Ba Vì sẽ sớm hết "khát". Và lo lắng của Chủ tịch xã Thái Hòa còn có căn nguyên, bởi trong giai đoạn I, xã chỉ có 3 thôn: Cộng Hòa, Chu Mật, Thuận An được hưởng dự án. Các thôn còn lại là Phú An, Trung Hà, Phú Nhiêu thiếu nước sạch trầm trọng thì… phải đợi giai đoạn II.
Chia tay xã Thái Hòa, in sâu trong tâm trí chúng tôi là hình dáng cụ Thìn ngồi trước hiên nhà, mắt hướng lên bầu trời xa xăm, như mong mỏi nghe được tiếng sấm, thấy được cơn mưa rào đầu mùa. Chúng tôi hiểu, cụ Thìn cùng những người dân Thái Hòa đang cùng chung một ước mơ cháy bỏng: Sớm có nước sạch!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.