(HNM) - Hơn một nửa thế kỷ sau ngày giải phóng, Thủ đô đang trong công cuộc phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ, bao gồm cả đô thị hóa đất đai và thành thị hóa dân cư.
Nhưng, đi cùng sự phát triển ấy thì bài toán quản lý đô thị cũng được đặt ra với nhiều biến số, nhiều lời giải cần phải được làm rõ.
Những ngày qua, thêm một lần nữa dư luận lại nóng với câu chuyện không chỉ của riêng Hà Nội mà cả ở TP Hồ Chí Minh cũng đang rất bức xúc, đó là làm thế nào để hạn chế lượng phương tiện cá nhân trong nội đô, được xem như một biện pháp giải cứu cho giao thông và hạ tầng đô thị. Thực tế vấn đề không mới, bởi nhiều năm gần đây, ở cả hai thành phố lớn nhất nước, dường như vẫn đang lúng túng trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này, câu chuyện phân làn, phân tuyến vẫn cứ rối như canh hẹ. Nhiều đề xuất, nhiều ý tưởng được thực hiện thí điểm, nhưng ít lần thành công.
Tất nhiên, quản lý đô thị không chỉ có lĩnh vực giao thông. Thế nhưng chỉ riêng một lĩnh vực giao thông thôi đã đủ làm cho công tác quản lý đô thị bị rối cho thấy khoảng trống cần khỏa lấp.
Ai cũng biết quản lý đô thị là công việc phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp nhiều lĩnh vực chuyên môn và "nghệ thuật" quản lý tốt. Nhưng lâu nay chúng ta chưa đủ điều kiện, hoặc chưa đủ bản lĩnh để thực hiện việc quản lý đô thị theo đúng nghĩa của nó, khi hầu như các ngành, các địa phương vẫn tồn tại tư tưởng miễn sao hoàn thành nhiệm vụ của mình, lĩnh vực quản lý của mình, mặc kệ mảng, miếng khác ngoài trách nhiệm quản lý. Thế nên trong suốt một thời gian khá dài đã xảy ra "bi kịch của vỉa hè" với điệp khúc đào và lấp. Có khi vỉa hè chỉ vừa được thay gạch, vôi vữa chưa kịp khô lại bị đào bới để thi công hạ ngầm các đường cáp, lắp đặt đường ống cấp nước, thoát nước...
Có một thực tế rằng từ lâu cứ hễ nói đến quản lý đô thị là người ta lại nhắc đến quy hoạch, đến kiến trúc, xây dựng. Mọi khiếm khuyết nào của đô thị người ta cũng hay quy "tội" cho quy hoạch. Song thực chất thì đó mới chỉ là những góc riêng có quan hệ tương hỗ trong quản lý đô thị. Phải hiểu quản lý đô thị là cả một tiến trình quản lý về hành chính, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường... để từ đó có cách ứng xử phù hợp với từng vấn đề, từng giai đoạn trong một tổng thể chung. Hà Nội đã trải qua hơn 100 năm trong quá trình đô thị hóa, và đến trước ngày 1-8-2008, Hà Nội cũng mới chỉ có trên dưới 100km2 đô thị. Nhưng 20 năm nữa, con số ấy sẽ gấp lên gần 9 lần. Tỉ lệ đô thị trên tổng diện tích từ 1/9 thành 1/4. Đô thị hóa tức là sẽ kéo theo thành thị hóa dân cư. Theo số liệu điều tra dân số ngày 1-4-2009, toàn Hà Nội có hơn 2,63 triệu cư dân thành thị, hơn 3,81 triệu cư dân nông thôn. Việc thành thị hóa dân cư được nhiều chuyên gia đặt ra những vấn đề nan giải gấp bội trong công tác quản lý đô thị Hà Nội so với việc mở rộng địa giới và đô thị hóa đất đai, vì liên quan đến cả vấn đề văn hóa, giáo dục, xã hội…
Chính vì sự đô thị hóa và thành thị hóa ấy mà hệ thống đô thị Hà Nội đang ngày càng ẩn chứa những yếu tố quản lý phức tạp. Nên nếu chúng ta vẫn giữ tư duy "chia nhỏ", cục bộ theo ngành hay địa phương để điều hành quản lý sẽ dễ dẫn đến "mất nhạc trưởng", thiếu hài hòa. Hà Nội mở rộng với mục tiêu lớn, đáng lý ra phải có một hệ thống quản lý tương xứng với một thành phố hiện đại thì thực tế bộ máy của chúng ta hiện nay không thay đổi. Chỉ khác chỗ xã thì gọi là phường, huyện đổi thành quận. Công tác quản lý vẫn bị xé lẻ, phân tán, rời rạc. Quy hoạch, quản lý xây dựng, giao thông, môi trường... vẫn được "kiến trúc" theo quận, theo phường, thậm chí theo phố, khu đô thị...
Giờ đây Hà Nội đã bước vào thiên niên kỷ thứ hai, với quyết tâm xây dựng Thủ đô rộng lớn và hiện đại. Để đạt được mục tiêu ấy, rất cần một hệ thống quản lý đô thị tốt nhất, khoa học nhất. Hay nói đúng hơn là cần một hệ thống chính quyền đô thị mạnh, có đầy đủ năng lực thực hiện hiệu quả ba khâu: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Tức là bảo đảm hoạch định chính sách, thực thi chính sách và bảo đảm hiệu lực của chính sách. Đây chắc chắn là những thách thức không hề nhỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.