(HNM) - Người đứng đầu nước Mỹ Barack Obama đã chính thức mở chiến dịch tái tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ II, khởi đầu cuộc đua đầy thách thức tới Nhà Trắng.
Kêu gọi những người từng ủng hộ - qua các phương tiện thông tin điện tử - tiếp tục đi cùng ông trên con đường "đổi thay" đã khiến ông B.Obama trở thành ứng cử viên đầu tiên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm tới. Mặc dù đến cuối năm 2012 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới mới diễn ra và chưa rõ ai sẽ là đối thủ, nhưng xem ra ông chủ Nhà Trắng và các cộng sự đã chuẩn bị kỹ cho cuộc tái tranh cử.
Tổng thống B.Obama đã sẵn sàng cho cuộc tái tranh cử năm 2012. |
Tuy nhiên, tất cả vừa diễn ra trong bối cảnh Tổng thống B.Obama bị "mất mát" lớn khi tỷ lệ ủng hộ đang ở mức thấp nhất kể từ khi nhậm chức năm 2009 (45%). Một loạt vấn đề đối nội và đối ngoại, trong đó quan trọng hơn cả là nỗ lực thúc đẩy sự hồi phục nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang hết sức ngổn ngang. Nhìn lại quá khứ, cuối năm 2008, cương lĩnh "Thay đổi, chúng ta có thể" đã mang lại chiến thắng vang dội cho Tổng thống B.Obama, nhưng sau hai năm xem ra con đường "thay đổi" vẫn thật lắm chông gai.
Vấn đề mà dư luận Mỹ đang quan tâm hơn cả là các bước thực hiện có thể nhằm giảm chi tiêu ngân sách cùng món nợ công khổng lồ (đã vượt ngưỡng 14 nghìn tỷ USD) và tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ, không để tình trạng thất nghiệp tăng cao (vẫn ở mức 8,8%). Cùng với đó là vị thế siêu cường kinh tế và quốc phòng đang bị cạnh tranh gay gắt. Khó khăn chồng chất khi Tổng thống B.Obama đang vướng vào "cuộc chiến ngân sách" với các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Cuộc tranh cãi chưa có hồi kết này có thể khiến hoạt động của Chính phủ Mỹ bị đình trệ vào cuối tuần này do hết kinh phí nếu đến ngày 8-4 tới, hai đảng trong Quốc hội vẫn không tìm được tiếng nói chung về vấn đề ngân sách.
Trên bình diện đối ngoại, tuy ông B.Obama hứa hẹn sẽ bảo vệ an ninh nước Mỹ, kết thúc hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nhưng xem ra bắt đầu một cuộc chiến thì dễ, nhưng thoát khỏi nó chưa bao giờ dễ dàng. Vẫn còn quá nhiều việc phải làm để nước Mỹ có thể rút quân hoàn toàn tại hai vùng chiến sự do người tiền nhiệm để lại. Trong khi đó, Tổng thống B.Obama đã hứng chịu nhiều chỉ trích về sự can dự bị cho là vi hiến trong hoạt động quân sự tại Libya trong những ngày qua.
Ngoài những vấn đề gai góc trên, Tổng thống B.Obama còn vấp phải một Quốc hội chia rẽ khi quyền kiểm soát Hạ viện thuộc về đảng Cộng hòa còn Thượng viện lại thuộc về đảng Dân chủ. Do đó, việc thông qua các chính sách gặp không ít khó khăn; lại càng không dễ dàng thực hiện những tham vọng trong cuộc "đổi thay" nước Mỹ, nhất là cuộc đua tranh nhiệm kỳ thứ 2 đã bắt đầu. Dẫu vậy, hy vọng về nhiệm kỳ 2 của ông B.Obama lóe lên khi đương kim Tổng thống Mỹ vẫn được dân chúng đánh giá cao trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế thoát khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930; đồng thời làm mới hình ảnh nước Mỹ khi rút quân khỏi Iraq và đưa ra lộ trình an ninh cho Afghanistan.
Giống như cuộc tranh cử trong năm 2008, tổng hành dinh chiến dịch tái cử của Tổng thống B.Obama vẫn sẽ là thành phố quê hương Chicago. Các trợ lý của ông B.Obama tiết lộ, việc lựa chọn Chicago làm "căn cứ" là nhằm tránh môi trường chính trị đang nóng bỏng ở Washington và để dễ tiếp xúc với cử tri hơn. Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống B.Obama đã bắt đầu với hy vọng có thể gây quỹ tới 1 tỷ USD, so với 750 triệu USD của năm 2008. Nếu thành hiện thực, ông B.Obama sẽ trở thành ứng cử viên tổng thống một tỉ USD đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Theo các nhà nghiên cứu Bắc Mỹ, các lập luận tranh cử của ông Obama chủ yếu gồm: đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng và tiếp tục cải thiện hình ảnh nước Mỹ ở nước ngoài vốn xuống cấp trầm trọng dưới thời Tổng thống Cộng hòa George W.Bush; đồng thời bảo vệ và đẩy tới chương trình cải cách hệ thống y tế.
Vậy là, dù đảng Cộng hòa vẫn còn bí mật ứng viên trong cuộc đua tới ngôi vị ông chủ Nhà Trắng năm 2012 thì ứng viên sáng giá của đảng Dân chủ - Tổng thống đương nhiệm B.Obama - đã ra mắt bất chấp những thách thức đang ở ngay phía trước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.