(HNM) - Tại châu Á, ngôi vị của Hãng Apple (Mỹ) có nguy cơ lung lay khi các đối thủ BlackBerry, Samsung hay hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc) đang tung ra những chiến lược hòng lật đổ "Quả táo cắn dở" này.
Châu Á là một "chiến trường" chủ chốt bởi nơi đây có sự hiện diện của nhiều loại sản phẩm thuộc các nhãn hiệu toàn cầu hàng đầu như: Samsung (Hàn Quốc), BlackBerry (Canada) cũng như những lựa chọn rẻ hơn từ hàng chục công ty nhỏ, trong đó có nhiều cái tên Trung Quốc.
Các nghiên cứu gần đây nhất cho hay "cuộc chiến" máy tính bảng đang nóng lên tại khu vực đông dân nhất thế giới này khi các công ty Trung Quốc, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan thách thức sự thống trị cả về tính năng lẫn giá cả của sản phẩm iPad của hãng Apple. Theo ước tính, châu Á sẽ chiếm khoảng 1/3 doanh số bán máy tính bảng của thế giới vào năm 2015, đạt 50 triệu chiếc trên tổng doanh số 150 triệu chiếc của toàn cầu. Rõ ràng con số trên với lợi nhuận không nhỏ đã khơi mào một cuộc giành giật thị phần tại thị trường này. Hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội và trở thành công ty mới nhất bước vào thị trường máy tính bảng châu Á khi tung ra sản phẩm MedaPad với màn hình 7 inch và sử dụng hệ điều hành Android 3.2 Honeycomb của Google với "ưu điểm" là trọng lượng nhẹ hơn so iPad2 của Apple.
Sự cạnh tranh càng gay gắt khi châu Á đang chứng kiến sự có mặt của nhiều nhãn hiệu như BlackBerry Playbook của hãng Research in Motion (Canada). BlackBerry đã cho ra mắt Playbook với màn hình cảm ứng rộng 7 inch vào tháng 4 năm nay. Trong ba tháng, tính tới ngày 28-5, BlackBerry đã tiêu thụ khoảng 500.000 chiếc Playbook tại Canada và châu Âu; trong tháng 6, Playbook bắt đầu được bán tại thị trường châu Á. Hơn thế, BlackBerry đã chọn Indonesia và các thị trường đông dân khác ở châu Á nhằm thống lĩnh thị trường điện thoại di động. Chỉ trong quý I năm nay, 1,5 triệu máy BlackBerry đã được tiêu thụ ở châu Á, chiếm 11% số máy bán ra trên toàn cầu và tăng so với 8% của năm 2010. Gregory Wade, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của BlackBerry cho biết, hãng đang dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh ở Indonesia, Philippines và Thái Lan. Theo G. Wade, ngày càng có nhiều người muốn thay máy điện thoại cầm tay. Vì thế với dân số 400 triệu dân ở Indonesia, Philippines và Thái Lan, BlackBerry càng có cơ hội với điện thoại thông minh ở châu Á.
Trước cuộc cạnh tranh đang diễn ra, thị phần của Apple ngày một sa sút trong bối cảnh các sản phẩm đối thủ đã và đang nổi lên tại đây và tỏ ra đáng tin cậy. Sản phẩm iPad của Apple đã chiếm tới 84% trong tổng số máy tính bảng được bán ra trên thị trường toàn cầu trong năm 2010. Tuy nhiên, mức thị phần này dự báo sẽ giảm xuống còn 69-70% trong năm 2011. Trong khi Samsung sẽ chỉ mạnh ở chính quốc vì nhận được "tình cảm dân tộc" của người tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc rộng lớn luôn hấp dẫn bởi các loại máy tính bảng rẻ tiền và đây chính là lợi thế của công nghệ xứ Vạn lý trường thành như Huawei.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.