Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức khó vượt

Trung Hiếu| 21/11/2010 06:32

(HNM) - Lực lượng phòng không Iran vừa qua 5 ngày diễn tập với quy mô lớn nhất từ trước tới nay (từ ngày 16 đến 21-11) được Tehran đánh giá là thành công và có thể chống lại bất kỳ sự xâm nhập nào.


Cuộc tập dượt khả năng "sẵn sàng chiến đấu" của quốc gia Hồi giáo này phát đi thông điệp cứng rắn về chương trình hạt nhân của Iran. Không phải ngẫu nhiên, đợt diễn tập được tiến hành gần các cơ sở hạt nhân quan trọng và bao gồm cả kiểm tra tên lửa phòng không tầm xa; đồng thời diễn ra ngay trước thềm cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) dự kiến diễn ra vào tháng tới. Tuy chưa nhất trí được về địa điểm cũng như nội dung các vấn đề sẽ thảo luận, nhưng đây là dấu hiệu hòa dịu của nhóm P5+1 trước chương trình hạt nhân của Iran từng gây căng thẳng tại Vùng Vịnh trong những ngày qua.


Iran thử nghiệm thành công hệ thống phòng không có tính năng tương tự hệ thống tên lửa S-300 của Nga.

Với cuộc diễn tập phòng thủ bầu trời vừa kết thúc, Iran muốn chứng tỏ sức mạnh ngay cả khi hợp đồng giữa Nga và Iran liên quan đến hệ thống tên lửa phòng không S-300 gặp trục trặc do lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Tehran. Quốc gia Hồi giáo này đã chứng minh tiềm lực phòng thủ bằng công bố thử nghiệm thành công một hệ thống phòng không được mô tả "có các tính năng tương tự với hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất". Cùng với đó, Tehran cũng đã thử nghiệm thành công một hệ thống rađa có tầm hoạt động 2.900km do nước này tự chế tạo, kiểm tra hệ thống phòng không sử dụng các loại tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa củng cố cho các hệ thống phòng thủ trên không thế hệ mới. Cùng với hệ thống rađa này, quân đội Iran còn cho biết, hàng nghìn trạm quan sát đã được xây dựng trên suốt tuyến biên giới dài 7.000km của nước này. Các trạm quan sát được trang bị hệ thống liên lạc có khả năng ngăn chặn các đối tượng thù địch truyền dữ liệu về trung tâm chỉ huy…

Trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh phương Tây gây sức ép buộc Iran chấm dứt việc theo đuổi chương trình làm giàu urani vì cho rằng đây chỉ là vỏ bọc cho việc phát triển vũ khí hạt nhân thì việc Tehran không ngừng khẳng định sức mạnh quân sự đã cho thấy sự cứng rắn là lựa chọn mà quốc gia Hồi giáo này đang hướng tới nhằm bảo vệ "chương trình hạt nhân vì hòa bình" của mình. Điều này từng được Tổng thống M.Ahmadinejad nhấn mạnh trong cuộc gặp Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, ngày 18-11, bên lề một hội nghị thượng đỉnh khu vực tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Theo đó, Nga và Iran thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Cũng trong ngày 18-11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Tổng thống M.Ahmadinejad cũng đã kêu gọi các cường quốc thế giới ngừng gây sức ép với Iran qua các chế tài trừng phạt vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này...

Trong khi đó, trên phương diện ngoại giao, cơ hội đã hé mở đối với cuộc đàm phán giữa Iran và các nước phương Tây sau khi bà Catherine Ashton được bầu làm Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề đối ngoại. Bà C.Ashton khẳng định, tất cả các vấn đề liên quan đến chương trình làm giàu urani của Tehran, sẽ được đặt trên bàn đàm phán. Bởi vậy, ngay sau khi tham vấn các cường quốc tham gia tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran (P5+1), bà C.Ashton đồng ý tổ chức một cuộc gặp giữa đại diện Iran và các đại diện P5+1 (vào ngày 5-12) và cuộc gặp sẽ diễn ra ở Áo hoặc Thụy Sĩ với lý do việc chọn địa điểm như vậy "hợp lý và thuận tiện hơn". Nhóm này cũng đồng ý tổ chức cuộc gặp kế tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ theo nguyện vọng của Iran nếu cả hai bên cùng nhất trí.

Như vậy, nếu cuộc gặp diễn ra thì đây sẽ là lần đầu tiên Iran trở lại bàn đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này, sau hơn một năm rút lui. Tuy nhiên, trước những động thái gần đây, nhất là diễn tập phòng không quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Iran cũng như những căng thẳng ngoại giao giữa Pháp và Iran, sau khi Paris ủng hộ các lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc đối với Iran hồi tháng 6 vừa qua… thì dư luận chỉ dám dừng lại ở hai chữ hy vọng. Cơ hội sẽ mở nếu hai bên thật sự vượt qua những bất đồng, nghi hoặc. Xem ra đây là thách thức khó vượt trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Tehran luôn mong muốn EU cũng phải bày tỏ lập trường về "vũ khí hạt nhân Do Thái", hay chương trình hạt nhân của Israel.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức khó vượt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.