Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức còn rất lớn

Vũ Duy Thông| 09/08/2011 06:41

(HNM) - Trong phong trào cách mạng ở nước ta, lực lượng đông đảo nhất, góp phần quyết định thắng lợi là nông dân, khu vực dân cư chiếm 75% dân số, sinh sống trên địa bàn chiếm 80% diện tích cả nước.


Trong sự nghiệp CNH, HĐH hiện nay cũng vậy. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân không chỉ là đền ơn đáp nghĩa, thực hiện lời hứa của Đảng với người dân mà còn là yếu tố quyết định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển đất nước.

Không thể có một đất nước dân giàu, nước mạnh mà 3/4 dân số, sinh sống trên 4/5 lãnh thổ còn phải sống nghèo khổ, lạc hậu. Chính vì điều đó, cách đây ba năm, Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa X), một Nghị quyết có tầm chiến lược về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã ra đời và được cả hệ thống chính trị cũng như toàn bộ xã hội, nhất là cư dân nông thôn đón nhận và triển khai thực hiện tích cực. Để triển khai Nghị quyết, cách đây hai năm, Chính phủ đã đề ra Chương trình xây dựng nông thôn mới với nội dung toàn diện gồm 19 điểm, từ sản xuất tới xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân. Chương trình xây dựng nông thôn mới thực chất là cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 7, là một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc liên quan đến cả 3 lĩnh vực, sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH, HĐH. Sau một thời gian khẩn trương thực hiện, nông nghiệp, nông thôn có bước phát triển khá, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn ngày càng được ưu tiên (năm 2011 cao gấp 2,2 lần năm 2008), tốc độ tăng trưởng nông nghiệp tăng đều đặn (bình quân 3,36% /năm), tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2010 đạt 20 tỷ USD. Thu nhập bình quân của nông dân tăng khoảng 8%/năm (đã loại trừ yếu tố giá); hộ nghèo ở nông thôn giảm từ 16,2% xuống còn 11,3%. Với 62 huyện nghèo trong cả nước, tỷ lệ hộ nghèo từ 47% đã hạ xuống 37%. Nhà nước và xã hội đã giúp các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các học sinh nghèo vượt khó hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng hàng trăm nghìn nhà tình nghĩa, hàng chục vạn suất học bổng cùng nhiều công trình điện, đường, trường, trạm, cầu cống, nhà văn hóa ở khu vực nông thôn.

Trong bối cảnh đó, Hà Nội là thành phố đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 7 nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Trong khi cả nước phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới thì HĐND thành phố xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 35% đến 40% số xã và đến năm 2020 có 100% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Điều đó thể hiện quyết tâm to lớn cả về nhận thức và tổ chức hành động của đảng bộ và chính quyền các cấp trước một vấn đề có tính chiến lược, quyết định trong quá trình phát triển của Thủ đô. Và trên thực tế, sau 2 năm thí điểm ở xã Thụy Hương (Chương Mỹ) một trong 11 xã làm điểm của cả nước và 18 xã làm điểm cấp thành phố, nhiều chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu xây dựng cơ sở vật chất điện, đường, trường, trạm... đã đạt được. Việc này đã tạo điều kiện làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của nông dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị, trật tự an ninh xã hội, tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.

Tuy nhiên, theo Chi cục Phát triển nông thôn thành phố, Hà Nội sau khi mở rộng có 401 xã thuộc khu vực nông thôn, chiếm 88,3% diện tích với gần 4 triệu cư dân sinh sống, nhiều nơi đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều, trình độ dân trí chưa cao, giao thông đi lại khó khăn… Việc thực hiện CNH, HĐH nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 7, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Về nhận thức, không phải mọi cấp ủy, chính quyền và mọi người đều đã nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Về cơ chế, nhiều cơ chế như thuế, giá đất, giải phóng mặt bằng, chuyển dịch ngành nghề, bố trí việc làm, thay đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư phát triển đô thị, giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa mới còn lạc hậu, chưa hoàn thiện hoặc chồng chéo, triệt tiêu lẫn nhau. Về tổ chức thực hiện, thời gian còn lại rất ít trong khi công việc còn trong giai đoạn thí điểm, chưa tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân ra đại trà…

Đã có nhiều thành quả nhưng thách thức còn rất lớn, nếu không có biện pháp tích cực, khẩn trương, e rằng thời hạn đã đến gần mà công việc vẫn quá nhiều bề bộn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức còn rất lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.