(HNM) - Mặc dù đã chuẩn bị lượng hàng cho dịp tết tăng như thường lệ, nhưng các DN cho biết, họ chỉ mong sức mua dịp tết năm nay bằng hoặc tăng chút ít so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàng hóa tăng giá luôn là nỗi lo mỗi dịp Tết đến. Trong ảnh: Mua hàng ở Siêu thị Big C.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết, lượng hàng hóa DN chuẩn bị cho Tết Quý Tỵ 2013 tăng khoảng 10%-20% so với tết năm trước. Tổng nguồn vốn hàng hóa cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau tết được các DN chuẩn bị hơn 6.600 tỷ đồng (tăng hơn 1.200 tỷ đồng) với cơ cấu hàng hóa gồm: hàng từ các chợ đầu mối chiếm 40-50% thị phần; hàng bình ổn chiếm 30-40% thị phần; các công ty, DN khác chiếm 10-20% thị phần còn lại. Năm nay, nguồn vốn dành cho hàng bình ổn là hơn 3.436 tỷ đồng (tăng gần 606 tỷ đồng so với tết 2012). Các mặt hàng bình ổn được chuẩn bị chiếm hơn 50% nhu cầu thị trường là dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến...
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, lượng hàng công ty chuẩn bị cho tết tăng 10%-15% so với năm trước, gồm 20.000 tấn thịt lợn, 6.000 tấn thực phẩm chế biến với tổng giá trị hàng hóa 1.010 tỷ đồng. Một số DN khác như Công ty thực phẩm công nghệ Sài Gòn có nguồn hàng chuẩn bị khoảng 231 tỷ đồng; Công ty Ba Huân chuẩn bị hàng hơn 165 tỷ đồng… Ở các siêu thị, lượng hàng BigC chuẩn bị tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; Co.opmart chuẩn bị hàng tết với tổng vốn khoảng 3.350 tỷ đồng (trong đó hàng bình ổn giá chiếm hơn 912 tỷ đồng)…
Với tình hình khó khăn của người tiêu dùng hiện nay, ông Văn Đức Mười cho biết chỉ kỳ vọng sức mua tăng hơn năm ngoái một chút, hoặc thậm chí chỉ bằng cùng kỳ năm ngoái cũng đã chấp nhận được. Còn theo bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của hệ thống Siêu thị BigC, dù sức mua cả năm không tăng, nhưng đối với người Việt Nam, do quan niệm có một cái tết đầy đủ sẽ là một khởi đầu một năm mới sung túc, thịnh vượng nên BigC nhận định rằng sức mua vẫn sẽ tăng vào dịp tết này.
Hiện tượng giá cả tăng khi nhu cầu tăng đã thành quy luật. Chính vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng sau nhiều tháng giảm đã bật tăng mạnh trong hai tháng 9 và 10 vừa qua khiến người tiêu dùng lo lắng một đợt tăng giá mạnh trong dịp tết. Tuy nhiên, theo các DN và nhà cung cấp, nếu tăng giá ở thời điểm này càng khiến sức mua giảm hơn nữa nên tốt hơn hết là kiềm giữ giá để thúc đẩy sức mua. Ông Văn Đức Mười cho rằng, DN thì luôn quan tâm đến lợi nhuận nhưng lúc này mà đặt lợi nhuận lên hàng đầu chưa hẳn là một tính toán tốt. Với sức mua thị trường hiện tại thì yếu tố quan trọng là bán được hàng và giữ được hệ thống phân phối hoạt động ổn định, vậy nên không chỉ riêng Vissan mà nhiều DN cũng đồng tình là sẽ kiềm giữ giá.
Đại diện Co.opmart cũng cho biết, khoảng 700 nhà cung cấp đã cam kết không tăng giá, bên cạnh đó là hỗ trợ các chương trình khuyến mãi trong dịp tết cùng Co.opmart để người dùng có được giá tốt nhất. Tương tự, BigC đang lên kế hoạch cho các chương trình khuyến mãi các mặt hàng tiêu dùng chủ đạo trong dịp tết để giữ giá không biến động trong suốt mùa kinh doanh này. Theo bà Lê Ngọc Đào, Sở Công thương sẽ giám sát chặt chẽ giá cả các mặt hàng bình ổn mà DN đã đăng ký, bên cạnh đó sẽ không để tình trạng đầu cơ tích trữ, tăng giá đột biến các mặt hàng có sức mua mạnh trong dịp tết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.