Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết phương Ðông - những điều thú vị

Nhật Trình| 11/02/2021 07:20

(HNNN) - Ở các nước phương Đông có rất nhiều lễ tết vui, lạ, thể hiện quan niệm, triết lý sâu xa về vũ trụ và đời sống nhân sinh. Tất cả những ngày tết đó đều có điểm chung: Là dịp đoàn tụ và gắn kết gia đình, mọi người chung vui bước vào một năm mới với năng lượng mới, làm việc tốt hơn để cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Lễ Melasti trên bờ biển trong ngày tết ở Bali ((Indonesia).

Tết “bốn không” ở Bali (Indonesia)

Tết độc đáo nhất thế giới là ngày chính tết Nyepi (năm mới) của cư dân Hindu ở đảo Bali (Indonesia). Theo lịch Saka Hindu, ngày khởi đầu một năm mới rơi vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 hằng năm.

Một ngày trước Nyepi, cư dân hành lễ Melasti trên bờ biển, thành kính cầu nguyện mong rửa sạch tội lỗi, sai lầm và để tâm hồn thanh sạch trước thềm năm mới. Trong ngày này diễn ra nghi thức diễu hành và rước tượng quỷ Ogoh-ogoh làm bằng tre (tượng trưng cho cái ác) đến các nguồn nước để tẩy trần. Sau lễ, đồ lễ được tung xuống biển và những người đứng dưới nước cố gắng đón bắt để có được sự may mắn. Đám đông vây quanh linh mục để đón “nước thánh” được vẩy từ tay ngài.

Trong ngày chính tết, mọi người đều tuân thủ nếp truyền thống “bốn không”: Không thắp lửa, không làm việc, không nói chuyện, không ăn uống. Mọi nhà đều đóng cửa, các thành viên ngồi im lặng từ sáng đến tối, suy nghĩ và thầm cầu nguyện. Quy tắc này tác động đến toàn đảo: Sân bay, cảng biển tạm đóng cửa trong ngày, du khách được khuyến cáo hoạt động bên trong khuôn viên khách sạn, không ra ngoài đường. Sau ngày này, cư dân lại thoải mái tham dự nhiều lễ hội đặc biệt, nhất là lễ hội hôn Omed Omedan trong ngày 1-4.

Tết đèn ở Myanmar

Tết đèn ở Myanmar.

Tết đèn (tết thắp đèn) ở Myanmar diễn ra từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 7 theo lịch Myanmar nhằm bày tỏ niềm tôn kính đối với Thần Đèn và các thiên thần. Trong ba ngày này, trước cửa và trong mọi nhà đều trang trí các loại đèn với nhiều hình dáng và màu sắc khác nhau. Bên các con đường còn có những cụm đèn di động, trên thân hoặc bóng đèn có vẽ hình các nhân vật huyền thoại.

Trong ba ngày tết đèn còn có nhiều hoạt động vui chơi như biểu diễn nghệ thuật, thả bóng bay. Thu hút nhiều nữ thanh niên nhất là các cuộc thi dệt và may áo cà sa diễn ra ở nhiều nơi, trong suốt một đêm, với ý nghĩa tưởng nhớ người mẹ của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni xưa kia đã thức thâu đêm để dệt áo cà sa cho con đi tu hành nơi rừng sâu núi thẳm. Kết thúc cuộc thi, những chiếc áo hoàn chỉnh sẽ được dâng cho các tăng ni, hòa thượng.

Tết kính bò ở Nepal

Tết kính bò ở Nepal diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 8 tháng 5 theo lịch Nepal. Theo quan niệm truyền thống, người dân Nepal coi những con bò vàng là thần bò, hiện thân của thần linh. Họ cũng dành tình cảm, sự tôn trọng cho tất cả những con bò nói chung, không phân biệt màu lông. Đáng chú ý là pháp luật Nepal cũng có nội dung quy định rằng, bò được nhiều ưu đãi hơn các vật nuôi khác.

Trong tết kính bò, mọi người dân vui vẻ vẽ hình bò lên mặt rồi hóa trang thành bò bằng cách đội mũ hình đầu bò, khoác trang phục hình bò… Đường làng, đường phố luôn chật kín những đoàn “bò người” xuôi ngược, vừa diễu hành vừa ca hát, nhảy múa trên nền nhạc được cất lên từ nhiều loại nhạc cụ. Làng, phố sôi động suốt ngày đêm.

Tết voi ở Thái Lan

Tết voi ở Thái Lan được tổ chức vào ngày 10-12 tại tỉnh Fukhamburi, là lễ hội mang tầm vóc quốc gia. Tết voi không phải là tết cổ truyền mà là tết mới nảy sinh từ những năm 1960, ban đầu do một nhóm dân chúng tự phát tổ chức và có doanh nghiệp hậu thuẫn nhưng nhanh chóng được các cơ quan du lịch Thái Lan nắm bắt, biến thành lễ hội phục vụ phát triển du lịch quốc gia. Lễ hội có rất nhiều tiết mục đặc sắc như: Lễ diễu hành của các “ông” voi; trình diễn săn bắt voi và huấn luyện voi… Tâm điểm của tết voi là cuộc thi thể thao dành riêng cho các “vận động viên” voi với nhiều môn thi như kéo co, cử tạ, bóng đá, chạy vượt chướng ngại vật… Những chú voi đạt thứ hạng cao được phong danh hiệu Kiện tướng thể thao...

Ngoài những ngày tết kể trên, các quốc gia trên thế giới còn có nhiều cái tết độc đáo khác. Đó là “Tết rắn” ở Ấn Độ - diễn ra vào tháng 8 hằng năm, “Tết cừu” ở Australia (ngày 14-8)…

Dù hình thức có sự khác nhau nhưng nhìn chung ngày tết là dịp để mọi người thể hiện mong ước bước vào một năm mới được khỏe mạnh, vui tươi, sống có ý nghĩa đối với gia đình và xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết phương Ðông - những điều thú vị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.