Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết, nhớ NSND Tào Mạt

Dạ Thảo Hương| 19/02/2010 07:18

(HNM) - Ngày Tết, không thể vắng tiếng trống chèo rộn ràng. Nó như mời gọi, giục giã người người về với nhau, với cội nguồn và tổ tiên. Nhắc đến chèo, người ta lại nhớ NSND Tào Mạt - người được mệnh danh là

Bộ chèo "Bài ca giữ nước" (gồm 3 phần: "Lý Thánh Tông tuyển hiền", "Ỷ Lan nhiếp chính", "Lý Nhân Tông học làm vua") của Tào Mạt được coi là một trong những thành tựu nổi bật của sân khấu Việt Nam. Qua tác phẩm, thấy rõ tài năng của nghệ sĩ, đưa ông vào hàng những người viết kịch bản chèo hay nhất Việt Nam. Gần ba thập kỷ qua, "Bài ca giữ nước" vẫn là vở diễn hay nhất trong ca kịch truyền thống.

Chân dung NSND Tào Mạt qua hội họa.


Câu chuyện về những anh hùng giữ nước của Tào Mạt qua chèo ra đời vào những năm tháng đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi cả đất nước đang chuẩn bị bước vào những thay đổi lớn. Từ những nhìn nhận rất mới mẻ về chuyện các tiền nhân, tác giả khéo léo chuyển tải được nhiều trăn trở về cuộc sống hôm nay. Khi vở chèo được Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần công diễn dưới sự dàn dựng của tác giả NSND Tào Mạt đã gây chấn động lớn. Từ Hải Phòng đến Nghệ An và xa hơn nữa, các đêm diễn đều đông nghịt khán giả. Nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành đánh giá: "Bộ chèo này cùng tập thể những nghệ sĩ cộng tác với Tào Mạt ở Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần làm nên một điều kỳ diệu và tìm hướng đi cho chèo đang lúng túng trong khủng hoảng sáng tạo… Đây là một vở chèo hấp dẫn, đặc sánh hương vị chèo cổ".
Sinh thời, Tào Mạt có trí nhớ rất tốt và có thói quen dựng vở... có một không hai. Ông sáng tác các vở kịch đều theo hình thức truyền miệng. Sau khi phân vai, ông đọc lời cho từng nghệ sĩ chép theo vai diễn của mình và lúc dựng thì mọi người đều đã thuộc lời. Điều kỳ lạ là dù trong tay không có văn bản nào nhưng hễ ai đọc sai chỉ một từ là ông "chỉnh" ngay. "Bài ca giữ nước" và các vở khác đều ra đời kiểu như vậy. Diễn viên làm việc với ông khá mệt nhưng thuộc lời rất nhanh. Có khi, đang đêm ông nhớ ra một trò hay liền đi tìm diễn viên và đọc cho chép. Ông còn rèn giũa cho họ cách hát chèo lấy hơi từ bụng để hơi dài và sâu. Người nào hát cao quá chênh với dàn ca thì ông bắt phải đi bộ cho mệt lử rồi mới cho vào hát...

Trong lần về quê Tào Mạt ở xã Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội), ông Nguyễn Gắng, Trưởng ban khánh tiết Khu di tích xã nhắc lại một kỷ niệm đậm cá tính của Tào Mạt. Ấy là lúc Tào Mạt mới là một cậu giao liên có tên Nguyễn Huy Thục. Làng thực hiện tiêu thổ kháng chiến và chính quyền quyết định dỡ bỏ ngôi đình và chùa. Nhưng Tào Mạt dám ra đình nói với các cụ thủ từ và bà con: "Cụ Hồ nói tiêu thổ kháng chiến, nhưng đình là vốn cổ văn hóa nên không thể dỡ được". Thái độ cương quyết của cậu bé Thục trở thành động lực để các bô lão trong làng đứng ra bảo vệ di tích. Có cụ trèo lên nóc chùa và đền rồi dọa ai động đến một viên ngói sẽ nhảy xuống tự tử. Ngôi chùa và đền được lưu giữ đến tận ngày nay, trở thành không gian văn hóa hết sức nên thơ, hữu tình với cầu ao, giếng nước, cây đa đình chùa…

Là người sống chân thành, hồn hậu và luôn đau đáu những nỗi niềm dân sinh nên những ngày trên giường bệnh, Tào Mạt vẫn không thôi trăn trở vì còn nhiều dự định chưa thực hiện được. Ở Hà Nội, nhớ quê da diết, ông thèm ăn những món ăn quen thuộc của quê hương. Vợ ông nấu giả cầy bằng thịt lợn nhưng tiết lợn được hòa trộn vào thịt, để cho thịt có màu sánh rất hấp dẫn ăn với bánh đúc. Ấy là đặc sản chỉ có ở vùng quê xứ Đoài của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết, nhớ NSND Tào Mạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.