Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tết Nguyên đán - Vẹn nguyên giá trị

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 13/02/2018 07:09

(HNM) - Dịp Tết đến Xuân về, mỗi người dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ đâu đều mong ước được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình...

Hoa đào là một phần không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.


Anh Phạm Đức Hải (phường Thượng Thanh, quận Long Biên):
Tết là dịp để mỗi thành viên trong gia đình hướng về nguồn cội

Ít ai biết Tết Nguyên đán có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngay từ khi sinh ra, mỗi tuổi đời của một công dân đất Việt luôn gắn với ngày Tết. Với trẻ nhỏ, Tết là dịp vui nhất trong năm. Trẻ con được xúng xính quần áo mới; được cùng bố mẹ sắm sửa, trang hoàng cho ngôi nhà thêm mới, thêm đẹp; được quây quần bên nồi bánh chưng cùng đón khoảnh khắc trời đất giao thoa, tiễn năm cũ đi, đón năm mới đến; được cùng bố mẹ đi thăm ông bà, họ hàng gần xa; được ăn những bữa ăn ngon; nhận tiền mừng tuổi… Với người lớn, Tết là dịp cởi bỏ những lo toan bộn bề sau một năm mưu sinh vất vả, cùng gia đình, người thân tận hưởng trọn vẹn niềm vui, sự ấm áp của ngày đoàn viên. Người Việt tin rằng, Tết Nguyên đán là dịp để thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” một cách cụ thể và sâu sắc nhất. Trước thềm năm mới, mỗi gia đình đều ra mộ thắp hương, “mời” tổ tiên về cùng ăn Tết. Người ta tin rằng, trong dịp Tết Nguyên đán, tổ tiên sẽ hiện diện trên mỗi bàn thờ gia tiên, chứng kiến lòng thành, không khí đoàn tụ ấm áp của cháu con, từ đó sẽ phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc… Với những ý nghĩa tốt đẹp đó, Tết Nguyên đán thực sự chứa đựng cả ý nghĩa tâm linh và giá trị nhân văn tốt đẹp, cần được gìn giữ, phát huy và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bà Bùi Thị Thu (thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ):
Phải hiểu được ý nghĩa của Tết truyền thống


Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền, là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết đến khiến mọi người thấy gần gũi nhau hơn, hàng xóm có dịp sang nhà nhau nâng chén trà nói lời chúc tụng, họ hàng, bạn bè dành cho nhau những lời chúc phúc tốt đẹp nhất… Cá nhân tôi không đồng tình với ý tưởng gộp "Tết Tây" với Tết Nguyên đán của một vài cá nhân có bài viết thể hiện quan điểm trên mạng xã hội thời gian qua. Bởi, Tết Nguyên đán của chúng ta không chỉ là những ngày nghỉ đơn thuần mà còn là Tết của toàn dân tộc Việt Nam, là dịp để con cháu sum vầy bên gia đình sau một năm làm việc vất vả. Đáng nói hơn, Tết Nguyên đán còn mang hồn cốt, đặc trưng riêng của dân tộc, là bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam từ bao đời nay.

Ông Phan Toàn (phường Mai Động, quận Hoàng Mai):
Nét truyền thống không thể phá vỡ


Với một hệ thống lễ nghi vô cùng phong phú và giàu ý nghĩa nhân văn sâu sắc, từ lâu Tết Nguyên đán đã thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, là một phong tục đẹp được nhân dân ta duy trì bao đời nay. Thế nhưng, 2-3 năm gần đây, cứ vào dịp gần Tết, trên mạng xã hội lại dấy lên dư luận cho rằng nên gộp "Tết Tây" với "Tết ta" (tức Tết Nguyên đán)? Lý lẽ mà một số người đưa ra để thuyết phục đó là: Nếu gộp hai Tết vào vừa tiết kiệm, vừa phù hợp quá trình hội nhập với thế giới. Bản thân tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi nếu bỏ Tết Nguyên đán thì khác nào bỏ đi một phần văn hóa và lịch sử Việt Nam, bỏ đi “hồn” Việt. Đã là người Việt Nam, dù sống trong nước hay đi làm ăn xa đều hướng về quê hương, mong được quây quần cùng gia đình, báo hiếu bố mẹ… mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Chị Tạ Kim Dung (Việt kiều Anh):
Mong đến Tết để trở về quê hương


"Tết Tây" (ngày đầu tiên của năm dương lịch) được người Châu Âu tổ chức trong bầu không khí của mùa đông lạnh giá, có nơi còn thêm tuyết rơi thì Tết Nguyên đán của Việt Nam là thời điểm báo hiệu xuân về với nhiều điều tốt đẹp... Trải qua nhiều năm lập nghiệp xa xứ cũng là chừng đó năm đón Tết Dương lịch, trong lòng tôi cũng như cộng đồng Việt kiều vẫn không quên Tết cổ truyền của dân tộc. Đến Tết Nguyên đán, dù xa quê hương nhưng bà con Việt kiều vẫn mua sắm, chuẩn bị đầy đủ thực phẩm để nấu các món ăn đặc trưng như bánh chưng, bánh đa nem, gói giò... Hội nhập đã giúp hàng hóa được lưu thông dễ dàng, những món hàng Tết Việt đã có mặt khắp các siêu thị nước ngoài khiến việc tìm mua dễ dàng hơn, không phải nhờ gửi sang như trước đây. Kết nối internet đã giúp chúng tôi truyền những hình ảnh đón Tết đầy đủ cho gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, tôi vẫn mong có điều kiện để được về Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Đó là dịp sum họp của đại gia đình, khi mọi người đi xa khắp nơi tìm về một chốn để thăm nom, chia sẻ yêu thương, để đón nhận cũng như trao gửi niềm vui, niềm hạnh phúc khi ở bên người thân với những sinh hoạt gắn kết đầy ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tết Nguyên đán - Vẹn nguyên giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.