Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến nhất và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp nhất của cả dân tộc. Từ
Từ "Tết" đã gieo vào lòng mỗi người dân Việt Nam dù ở quê hương hay ở phương trời xa xứ những cảm xúc thật thiêng liêng, khó tả.
"Tết chẳng riêng ai, Tết mọi nhà
Quê hương, làng xóm, ông bà, tổ tiên" (Ca dao)
Tết Nguyên Đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây; là thời khắc thiêng liêng, cao quý và trang trọng nhất đối với người Việt.
Lễ Giao thừa truyền thống. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Nó chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân tộc vừa sâu sắc lại vừa độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên đất trời.
Chữ "Nguyên" có nghĩa là bắt đầu, chữ "Đán" có nghĩa là buổi ban mai. "Nguyên đán" là khởi điểm của năm mới.
Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên đán, đó là Tết của gia đình.
Như một thói quen linh thiêng và bền vững, mỗi năm Tết đến, dù đang ở đâu làm gì, kể cả người xa xứ, ai cũng mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà - nơi mọi người cất tiếng khóc chào đời.
Mấy tiếng "Về quê ăn Tết" không chỉ là khái niệm đi-về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn.
Trong 3 ngày Tết, sẽ diễn ra 3 cuộc gặp gỡ lớn ngay tại một nhà.
Thứ nhất là cuộc "gặp gỡ" của các gia thần: Tiên sư hay Nghệ sư - vị tổ đầu tiên dạy nghề gia đình mình đang làm; Thổ công - thần giữ đất nơi mình ở và Táo quân - thần coi việc nấu ăn của mọi người trong nhà.
Thứ hai là cuộc "gặp gỡ" tổ tiên, ông bà... những người đã khuất. Nhân dân ta quan niệm hương hồn người đã khuất cũng về với con cháu vào dịp Tết.
Thứ ba là cuộc gặp gỡ của những người trong nhà.
Trước và sau Tết Nguyên đán, người Việt có nhiều phong tục khác nhau, tùy theo từng địa phương. Dưới đây là một số phong tục chính.
Lễ ông Công-ông Táo
Ông Công là Thổ Công, là vị thần cai quản đất đai. Ông Táo là thần bếp hay Táo Quân, gồm hai ông, một bà. Lễ ông Công-ông Táo được thực hiện vào ngày 23 Tháng Chạp.
Trong ngày này, ông Công được cúng ở bàn thờ chính trên nhà còn ông Táo được cúng dưới bếp.
Sau khi tiễn ông Công-ông Táo lên chầu trời, người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối và cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón Tết.
Lễ Tất niên
Tất niên có nghĩa là hoàn tất công việc một năm cũ. Vào chiều 30 Tết, các gia đình đều chuẩn bị một mâm cơm cúng tổ tiên ông bà.
Theo phong tục, trong thời điểm tất niên, mỗi người phải thu xếp thanh toán hết nợ nần, xóa bỏ những xích mích trong năm cũ để hướng tới một năm mới thuận hòa hơn.
Lễ Giao thừa
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng của năm. Vào thời điểm giao thừa, các gia đình làm lễ Trừ Tịch.
Lễ Trừ Tịch được hiểu là lễ đem vứt những điều không may mắn của năm cũ đi và đón lấy những điều tốt đẹp của năm mới đến.
Đây là giây phút gặp gỡ linh diệu của từng người với các vị thần trong nhà, với các bậc tổ tiên, ông bà, người thân đã khuất và cũng là cuộc gặp gỡ giữa con người với Trời-Đất trong khoảnh khắc vũ trụ chuyển vần.
Đúng giao thừa, trong không gian ấm cúng, thơm hương khói, đèn nến lung linh, cháu con chắp tay cung kính trước bàn thờ tiên tổ.
Văn hóa dân gian quan niệm con người sống trong Trời-Đất nên ở Thiên đình cũng có tổ chức quan quân trông coi hạ giới.
Mỗi năm, đến phút giao thừa, Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, vì vậy mà thông thường mỗi gia đình sẽ có một mâm cỗ cúng Trời, tiễn người cũ, đón người mới, với hy vọng một năm làm ăn yên ổn, mưa thuận gió hòa.
Một số tục lệ sau Giao thừa
Sau Giao thừa là đến Tân niên - đón một năm mới, có những tục, lễ riêng mà cho tới ngày nay, từ thôn quê đến thành thị vẫn còn nhiều người duy trì. Đó là tục đi lễ chùa, tục xông đất và hái lộc đầu năm.
Lễ Giao thừa ở nhà xong, nhiều người thường đi lễ tại các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Nhân dịp này người ta thường xin quẻ đầu năm.
Phong tục xông đất hay "đạp đất" (của người miền Trung) cũng rất được coi trọng trong năm mới.
Thông thường, mỗi gia đình sẽ chọn một người "dễ vía" ra ngoài trước Giao thừa, lúc trở về đã sang năm mới, người này tự xông đất cho gia đình mình, với mong muốn mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình.
Nếu không có người nhà "dễ vía" để xông đất lấy may, người ta phải nhờ một người khác sớm ngày mồng 1 Tết đến xông đất, trước khi có khách tới chúc Tết.
Đi lễ đình, chùa, miếu, điện xong, lúc trở về, hầu hết người dân Việt nam có thói quen hái một cành cây mang về với ý niệm đây là lộc của Trời-Đất, Phật Thần ban cho.
Ngày nay, thay bằng việc ngắt lộc tại đình, chùa, công viên... người ta đã có thể mua tại ven đường những cây mía, cành táo, nhánh hoa hải đường... để bảo vệ cây xanh, môi trường./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.