(HNM) - Xã Ba Vì (huyện Ba Vì) là địa phương duy nhất ở Hà Nội có đồng bào dân tộc Dao sống quần cư thành làng và vẫn giữ được gần như nguyên vẹn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Đặc biệt, 3/3 thôn của xã Ba Vì đều đã được công nhận làng nghề thuốc Nam truyền thống, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên nên Tết cuối năm của đồng bào Dao (kéo dài từ đầu tháng Chạp năm trước đến giữa tháng Giêng năm sau) như vui, ấm no hơn! Năm nay, đồng bào đón Tết vui tươi nhưng không quên thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Bản Dao khoác áo mới
Đã bước sang đầu tháng Chạp, những cánh đào rừng bắt đầu khoe sắc trong sân nhà của các gia đình người Dao trên những sườn đồi, góc núi... Đó cũng là thời điểm bà con nơi đây tổ chức Tết cuối năm hay còn gọi là Tết tất niên. Chủ tịch UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) Lăng Văn Hà hồ hởi khoe: “Nghề thuốc Nam phát triển, năm nay, xã có thêm 2 thôn là Hợp Nhất và Hợp Sơn được công nhận làng nghề thuốc Nam truyền thống. Cùng với thôn Yên Sơn đã được thành phố công nhận danh hiệu này từ trước, vậy là xã Ba Vì có 3/3 thôn đều đạt danh hiệu làng nghề truyền thống của Thủ đô. Nghề làm thuốc phát triển, kinh tế của các hộ “phất lên”, cùng với những thành tựu của phong trào xây dựng nông thôn mới nên Tết này của người Dao chúng tôi vui hơn hẳn các năm”.
Theo chân Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà, chúng tôi đã đến thăm các bản Dao trong những ngày bà con nô nức vào Tết. Nhìn từ xa, những xóm, làng của người Dao như khoác trên mình tấm áo mới, khang trang hơn, đẹp hơn rất nhiều. Trái ngược hoàn toàn với những lần lên bản Dao cách đây chừng mươi năm đó là những căn nhà nhỏ bé, những con đường đất cũng nhỏ bé và khó đi thì giờ đây, các thôn người Dao hôm nay đều được trải bê tông, xe ô tô có thể “bon bon” về từng ngõ, xóm; những ngôi nhà của các hộ dân được xây dựng khang trang với đầy đủ các đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, nhiều hộ mua được ô tô, xe máy đắt tiền...
Theo tìm hiểu, người Dao ở Ba Vì thuộc nhánh Dao quần chẹt (cách gọi này là bởi trang phục của người Dao có quần bó sát chân). Xưa kia, người Dao thường sinh sống trên đỉnh núi cao Ba Vì, di canh di cư, phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Từ năm 1965, Nhà nước vận động đồng bào di cư xuống chân núi, sống quần tụ thành thôn, vừa sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển nghề thuốc Nam truyền thống. Hiện người Dao ở Ba Vì sống tập trung ở 3 thôn Yên Sơn, Hợp Nhất và Hợp Sơn với hơn 550 hộ dân, hơn 2.000 nhân khẩu, chiếm 98% dân số toàn xã.
Chủ tịch UBND xã Ba Vì Lăng Văn Hà cho biết, một năm, người Dao có nhiều Tết như: Tết đầu năm, Tết Thanh minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Rằm tháng Bảy, Tết cuối năm, Tết nhảy và các nghi lễ như: Lễ cấp sắc, lễ tạ mả... Riêng với Tết cuối năm là Tết to như Tết Nguyên đán của người Kinh. Người Dao làm Tết cuối năm khi mùa màng đã thu hoạch xong, để báo công và trả lễ với tổ tiên thành quả một năm lao động của gia đình. Tết của người Dao, mỗi dòng họ sẽ chọn ra một ngày đẹp để tổ chức ăn Tết. Thường Tết chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, tại gia đình đang giữ bàn thờ của dòng họ và được dân làng đến làm giúp nên thường rất đông vui.
Theo ông Dương Kim Liên (thôn Yên Sơn), việc tổ chức ăn Tết cuối năm của các gia đình phải tuân theo quy tắc nhất định. Đầu tiên, các hộ gia đình đóng góp lương thực, thực phẩm, có thể là gà, lợn, gạo… Sau đó, cùng nhau lên miếu để làm lễ, rồi ăn Tết làng ở nhà người tổ chức lễ họ. Từ hôm sau trở đi, các gia đình mới được tổ chức riêng tại nhà. Riêng Tết nhảy, các gia đình quy định 12 năm mới tổ chức một lần, mục đích nhằm khao “ông bà”, “ông vải” và thường được tổ chức vào dịp cuối năm. “Năm nay thôn Yên Sơn có 3 hộ tổ chức Tết nhảy. Gia đình tổ chức làm Tết nhảy phải hội đủ các điều kiện như: Không có tang ma, kinh tế thông thuận… và quan trọng nhất là phải được sự đồng ý của người có uy tín trong thôn làng”, ông Dương Kim Liên chia sẻ.
Phát triển kinh tế gắn với phòng, chống dịch
Người Dao ở Ba Vì có vốn kiến thức về thuốc Nam truyền từ đời này qua đời khác. Các bài thuốc Nam của người Dao có hiệu quả cao trong việc chữa các loại bệnh: Xương khớp, gan, thận, dạ dày, thần kinh, bệnh ngoài da, răng miệng, thuốc cho phụ nữ sau sinh… Chị Dương Thị Quỳnh, công chức văn hóa - xã hội UBND xã Ba Vì cho biết: “Xã Ba Vì hiện có 309 hộ gia đình làm nghề thuốc Nam, có 9 hợp tác xã thuốc Nam được tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Trước kia, người Dao thường lên núi hái thuốc về dùng tươi hay phơi khô, nấu lấy nước tắm hoặc uống. Còn nay, người dân tự trồng cây thuốc trong vườn nhà hoặc mua cây thuốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc về sơ chế thành rất nhiều loại như: Thuốc khô, thuốc nấu cao, thuốc đắp, thuốc bột... thuận tiện cho khách hàng trong quá trình sử dụng”.
Không chỉ dừng ở kinh nghiệm truyền thống, nhiều người trẻ ở các bản làng người Dao Ba Vì còn theo học các chuyên ngành y học cổ truyền để vận dụng khoa học vào khám, chữa bệnh. “Trên địa bàn xã có khoảng 40 người đã và đang theo học tại các trường dạy về y học cổ truyền. Đơn cử như chị Dương Thị Lệ, con gái lương y Triệu Thị Dung; anh Dương Kim Hùng, cháu nội lương y Triệu Thị Thanh cùng ở thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì) đã đi học ngành y học cổ truyền do các trường đào tạo bài bản để có thêm kiến thức phát huy nghề truyền thống của gia đình”, chị Dương Thị Quỳnh thông tin.
Những bài thuốc Nam chữa bệnh hiệu quả nên khách hàng tìm đến các lương y ở xã Ba Vì bốc thuốc rồi chia sẻ thông tin cho nhau. Nhiều người Dao trẻ tuổi đã nhanh nhạy với thời cuộc, quảng bá nghề truyền thống trên mạng xã hội nên nhiều người biết đến hơn, kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở xã Ba Vì đã đạt 61 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm chỉ còn 1,8%. Ở xã Ba Vì, không ít gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng nhờ nghề làm thuốc Nam.
Đón Tết cuối năm trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay từ trước Tết, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động các gia đình tổ chức Tết trong phạm vi gia đình, không tập trung quá 30 người, không mời khách từ địa phương khác tới dự. “Đặc biệt, xã Ba Vì cũng yêu cầu người dân không đi dự Tết nhà nhau nếu chưa tiêm hoặc chưa tiêm phòng đủ liều vắc xin phòng Covid-19 theo quy định; đang thuộc diện cách ly hoặc theo dõi sức khỏe khi có triệu chứng nghi nhiễm Covid-19. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch theo chỉ đạo của chính quyền địa phương và hướng dẫn của ngành Y tế”, ông Lăng Văn Hà thông tin.
Tết cuối năm của người Dao đã về. Cuộc sống của người Dao ở xã miền núi huyện Ba Vì mỗi năm một sung túc, ấm no hơn. Đó cũng là cách để người Dao giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.