(HNM) - Với đại đa số người dân, Tết là dịp nghỉ ngơi, gia đình đoàn viên, cùng nhau đi du xuân thì với các công nhân vệ sinh môi trường, Tết lại là khoảng thời gian “bám đường” gần như 24/24 giờ. Tết của họ chính là giữ đường, phố luôn sạch, đẹp trong những ngày xuân để người dân Thủ đô có một cái Tết trọn vẹn.
Tết chỉ đến khi thành phố đã sạch, đẹp
Đêm 30 Tết, trong khi mọi người quây quần bên gia đình, chuẩn bị đón thời khắc Giao thừa, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài thu gom, quét dọn rác trên các tuyến đường, phố. Đối với họ, đón Tết ngoài đường đã trở thành quen thuộc kể từ khi bước chân vào nghề.
Tại phố Văn Miếu (quận Đống Đa), chị Trương Thị Minh Lan, Tổ sản xuất môi trường số 3, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) - Chi nhánh Đống Đa đang cần mẫn quét dọn, gom rác thải dọc đường, đưa lên xe đẩy. Cuối năm, lượng rác tăng đột biến do các gia đình dọn dẹp nhà cửa đón Tết càng khiến công việc của chị thêm phần vất vả... Vuốt sợi tóc bết mồ hôi trên trán, chị Lan cho biết, từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết là khoảng thời gian lượng rác phát sinh tăng 40-50% so với ngày thường. Do đó, công nhân phải tăng ca, tăng công, “bám đường” 24/24 giờ để thu dọn rác thải, giữ đường phố sạch, đẹp.
Tại điểm cẩu rác đầu ngõ 135 phố Đội Cấn (quận Ba Đình), chị Nguyễn Thanh Vân, Tổ trưởng Tổ sản xuất môi trường số 8, URENCO - Chi nhánh Ba Đình đang cùng một số công nhân trong tổ đẩy những xe đầy ắp rác, lần lượt cẩu lên xe cuốn ép trước khi chở đến các khu xử lý tập trung. Tết năm nay, dịch Covid-19 khiến nhiều người, nhiều gia đình không về quê mà ở lại Hà Nội ăn Tết nên khối lượng rác thải từ các hộ phát sinh đáng kể. Những ngày cao điểm (từ 28 đến 30 Tết), 6h30 công nhân vệ sinh môi trường ra khỏi nhà, “trực chiến” trên đường, chỉ tranh thủ tạm nghỉ lúc 13h30. Buổi chiều, khoảng 18h30 sau khi ăn miếng bánh chưng lấy sức, họ lại vào guồng việc mới.
“25 năm làm công nhân vệ sinh môi trường, chưa năm nào tôi được đón Giao thừa cùng gia đình, có năm đến 5h sáng mùng 1 mới về đến nhà. Năm nay xong việc sớm, tôi về nhà lúc 3h30”, chị Vân chia sẻ. Theo chị Vân, công việc của công nhân vệ sinh môi trường không phải hết giờ, mà là hết rác mới hoàn thành nhiệm vụ.
Vì thế, đường phố sạch, đẹp sáng mùng 1 Tết là niềm vui lớn của công nhân vệ sinh môi trường như chị Lan, chị Vân, cũng là lúc họ bắt đầu lo cho cái Tết của gia đình.
Mong ước của công nhân vệ sinh môi trường
Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đúng vào dịp Tết nên theo anh Nguyễn Văn Sơn, công nhân Tổ sản xuất môi trường số 2, URENCO - Chi nhánh Cầu Diễn (phụ trách duy trì vệ sinh môi trường địa bàn quận Nam Từ Liêm), công việc vốn đã khó khăn, nặng nhọc nay lại thêm phần vất vả, vừa làm, vừa phải bảo đảm phòng, chống dịch, phải cẩn trọng hơn để giữ sức khỏe cho bản thân.
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, anh Sơn cũng như nhiều anh, chị em công nhân đều mong được đón Giao thừa cùng gia đình, đi thăm hỏi chúc Tết người thân, láng giềng, thế nhưng vì đặc thù công việc, mọi người động viên nhau cùng gắng sức hoàn thành nhiệm vụ. “Mùng 1, mùng 2 Tết, lượng rác giảm, tổ phân ca, kíp bố trí anh em ứng trực duy trì đường phố; tạo điều kiện cho công nhân có thời gian đi chúc Tết, ăn bữa cơm Tết cùng gia đình”, anh Sơn kể.
Đi làm trong những ngày Tết, chị Đỗ Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ môi trường số 9, URENCO - Chi nhánh Ba Đình cho biết, tuy mệt, vất vả nhưng chị cảm thấy vui vì công việc có ý nghĩa, góp phần “làm đẹp cho đời”. Tuy vậy, chị Hoa cũng như nhiều công nhân vệ sinh môi trường vẫn buồn vì còn nhiều người dân thiếu ý thức, vô tư xả rác ra đường. Đặc biệt, vào những dịp Giao thừa, rác từ những chỗ bán hoa, trái cây, cành lộc sau khi bán xong còn thừa lại rất nhiều. “Tôi và các đồng nghiệp rất vất vả để dọn dẹp, trả lại mặt đường như ban đầu”, chị Hoa cho biết. Do đó, các chị đều mong muốn người dân khi đi chơi Tết vứt rác đúng nơi quy định để công việc của công nhân vệ sinh môi trường đỡ vất vả hơn.
Chăm lo đời sống người lao động trong dịp Tết, Tổng Giám đốc Công ty URENCO Nguyễn Hữu Tiến thông tin, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song công ty vẫn cố gắng duy trì mức thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên ngang bằng năm trước với mức thưởng bình quân 6-10 triệu đồng/người. Trong những ngày cao điểm phục vụ Tết (từ ngày 10 đến 16-2, tức từ 29 Tết đến mùng 5 Tết), những cán bộ, nhân viên đi làm còn được bồi dưỡng thêm 100.000-250.000 đồng/ngày/ người, ngoài chế độ tiền lương bình thường.
Công việc vất vả, thường xuyên phải “bám đường”, tiếp xúc với ô nhiễm, khói bụi... nhưng qua câu chuyện với các công nhân vệ sinh môi trường, chúng tôi cảm nhận được sự say mê, yêu nghề cũng như niềm tự hào của họ khi khoác lên mình bộ đồng phục của người làm đẹp đô thị, để đường phố Thủ đô sáng, sạch, đẹp trong những ngày xuân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.