(HNM) - Sống trong tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, niềm tin vào những điều tốt đẹp, mơ ước về tương lai tươi sáng của những đối tượng yếu thế đang được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội lại đậm sâu hơn.
Các thành viên Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ tàn tật Hà Nội gói bánh chưng đón Tết. |
Ấm áp tình thân
Mỗi người đến các cơ sở bảo trợ xã hội có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng giống nhau ở điểm thiếu thốn, khao khát tình thân. Bởi thế, họ coi cơ sở bảo trợ xã hội là mái nhà chung và những người sống trong đó là một gia đình lớn.
Áp Tết Mậu Tuất 2018, cán bộ Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ tàn tật Hà Nội tại xã Thụy An (huyện Ba Vì) vội vã đi đón 3 thành viên mới. Các cháu là trẻ bị bỏ rơi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Biết tin, người lớn trong gia đình vừa vui, vừa trăn trở. Vui vì gia đình có thêm thành viên, vì các cháu sẽ được quan tâm, yêu thương, chăm sóc. Trăn trở vì không biết sức khỏe các cháu ra sao, tương lai sẽ thế nào, tại sao người sinh ra các cháu nỡ bỏ rơi các cháu?
Nỗi băn khoăn, trăn trở nhanh chóng qua đi khi các cháu về mái nhà chung đều có sức khỏe tốt. Niềm vui lan tỏa, người lớn, trẻ em tại Trung tâm đón Giao thừa trong không khí ấm áp. Những thành viên có thể đi lại thì tập trung về hội trường giao lưu, sinh hoạt văn nghệ, thưởng thức bánh, mứt, kẹo ngọt thơm hương vị của tình người. Nhìn màn pháo hoa vụt sáng trên bầu trời Thủ đô được chuyển tải qua chiếc ti vi màn hình lớn, không ai bảo ai, các thành viên trong gia đình xích lại gần nhau, nắm tay nhau thật chặt, truyền cho nhau hơi ấm tình thân. Trong không khí ấy, Ban Giám đốc Trung tâm chúc Tết, mừng tuổi cho các thành viên tại hội trường, rồi đến từng phòng thăm hỏi, mừng tuổi các thành viên ốm đau, bệnh nặng phải nằm một chỗ.
Tại phòng số 1, nhà A2, cụ Nguyễn Đình Tước (77 tuổi) chia sẻ: “Đã 12 năm đón Tết ở đây, năm nào tôi cũng nhận được sự quan tâm đầy đủ cả về vật chất và tinh thần của Trung tâm. Tôi không còn người thân, nếu không được sống trong một gia đình lớn, tôi không biết cuộc sống của tôi và các thành viên khác sẽ đi về đâu. Nhất là với các cháu nhỏ, đáng thương lắm”.
Những ngày Tết, các thành viên trong gia đình mang tên Trung tâm Bảo trợ xã hội số IV Hà Nội, đóng trên địa bàn thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) vui với các hoạt động văn nghệ tập thể, trò chơi dân gian. Tiếng reo hò, cổ vũ tưng bừng khiến ai đi qua cũng ngoái lại nhìn. Không khí đón Tết, vui Xuân Mậu Tuất cũng ngập tràn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số I, II, III Hà Nội, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội..., giúp những đối tượng yếu thế quên đi nỗi buồn, hòa vào niềm vui chung.
Đong đầy ước vọng
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có gần 180.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó, hơn 177.000 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng tại cộng đồng và được các hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng, chăm sóc; hơn 2.400 đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Ông Phùng Công Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng Người già và Trẻ tàn tật Hà Nội cho biết, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 170 người già tàn tật, cô đơn, 188 trẻ em tàn tật, bị
bỏ rơi…, 80% đối tượng đến Trung tâm không thể tự chăm sóc. Mang Tết đến, đưa mùa xuân về Trung tâm, ngoài sự quan tâm của TP Hà Nội và cộng đồng, còn có sự hy sinh thầm lặng, tình yêu thương chân thành của đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên.
“Ngày Tết, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, vui chơi. Nhưng vì tình yêu thương và trách nhiệm, chúng tôi cố gắng thu xếp việc gia đình, tận tình chăm sóc từng đối tượng như người thân”, chị Khuất Thị Bảy, Tổ trưởng Tổ chăm sóc người già và người khuyết tật, cho hay.
Tại khu nhà trẻ, các mẹ và tình nguyện viên ân cần bón từng miếng bánh chưng cho các con, pha sữa cho các con uống, dỗ dành khi các con khóc. Thương các mẹ người Việt phải vắng nhà ngày Tết, chị Carly Placek, người Mỹ, đến từ Tổ chức tình nguyện Bông Sen Đỏ động viên các mẹ về sớm với gia đình, để nhóm tình nguyện viên chăm sóc các con.
Có ai đó chúc Tết và hỏi về ước vọng của Carly Placek trong năm mới, chị chỉ vào những đứa trẻ bị bại não, khuyết tật và ước cho các con có thể khỏi bệnh, ước cho những đứa trẻ đáng thương không bị chính cha mẹ chối bỏ… Carly Placek cũng bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai của những đứa trẻ, bởi chị chứng kiến chúng nhận được sự quan tâm ngày một nhiều hơn. “Tôi đã đến Trung tâm 4 lần, mỗi lần đến là một lần khác. Chắc chắn tương lai của các em sẽ khác hôm nay”, Carly Placek nói.
Những người đến các trung tâm bảo trợ xã hội chủ yếu là người già cô đơn lang thang, trẻ em mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Tết đến, đa số không có người thân đón về, họ vẫn ở lại ngôi nhà chung. Cháu Nguyễn Đình Tuấn, 10 tuổi, đến từ tỉnh Bắc Giang kể: Bố mẹ ruột cháu đang trong quá trình thi hành án, cháu không có người nuôi dưỡng nên được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội số IV Hà Nội. Ở đây, cháu được các mẹ yêu thương như con. “Năm mới, cháu ước tất cả anh, chị, em trong trung tâm ngoan ngoãn, khỏe mạnh, chăm chỉ học hành, trở thành người có ích cho xã hội”, Nguyễn Đình Tuấn nói.
Một vài hình ảnh, câu chuyện giản dị, ý nghĩa trong những ngày đầu xuân mới chúng tôi ghi lại tại các trung tâm bảo trợ xã hội phần nào cho thấy: Tình yêu thương chính là sợi dây gắn kết những người xa lạ thành một gia đình lớn. Đó cũng là minh chứng rõ nhất khẳng định sự quan tâm toàn diện của TP Hà Nội và cộng đồng xã hội đối với những người còn nhiều thiệt thòi, khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.