(HNM) - Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua, lãnh đạo VNPT Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây dịch vụ điện thoại cố định của đơn vị giảm cả về số lượng và doanh thu.
Doanh thu giảm hơn 10%/năm
Ngày càng ít người sử dụng điện thoại cố định do giá cước di động ngày càng rẻ.
Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc VNPT Hà Nội, tính đến tháng 8-2010, VNPT Hà Nội có khoảng 1,5 triệu thuê bao điện thoại cố định (cả không dây), chiếm 85% thị phần. Nhưng doanh thu từ dịch vụ này ngày càng giảm, tỷ lệ giảm ngày càng nhiều. Cụ thể, năm 2010 dự kiến doanh thu chỉ còn 1.170 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2009; năm 2009 giảm 10,6% so với năm 2008 và năm 2008 giảm khoảng 10,3% so với năm 2007… Tính chung, mỗi năm có khoảng 60.000 máy ngừng hoạt động để chuyển sang dùng di động. Trong tương lai, thuê bao điện thoại cố định sẽ còn giảm nhiều hơn.
Nguyên nhân của việc giảm doanh thu là do giá cước điện thoại di động ngày càng giảm, lại có thể liên lạc mọi nơi mọi lúc và đó cũng là lý do khiến khách hàng từ bỏ điện thoại truyền thống chuyển sang dùng di động. Bên cạnh đó, chính sách cước kết nối giữa di động và cố định đang bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ này. Chẳng hạn, một cuộc gọi từ mạng cố định sang mạng di động, VNPT Hà Nội phải trả cho DN cung cấp dịch vụ di động 415 đồng/phút; trong khi đó, một cuộc gọi từ mạng di động đến cố định nhà mạng chỉ phải trả cho DN 270 đồng/phút. Đấy là chưa kể chi phí đầu tư duy trì mạng lưới cao mà nhiều năm mức cước thuê bao và cước liên lạc vẫn giữ nguyên khiến doanh thu ngày càng giảm… Như vậy các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định khó có lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng mạng lưới.
Đây không chỉ là một vấn đề của một đơn vị cụ thể. Từ vài năm nay, sự sụt giảm cả về thuê bao và doanh thu dịch vụ điện thoại cố định đã không ít lần được nhắc tới. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đơn vị chủ quản của VNPT Hà Nội và là nhà cung cấp dịch vụ cố định chiếm thị phần lớn nhất cả nước (gần 80%) từng cho biết, tỷ lệ thuê bao rời mạng hằng năm thường tương đương với tỷ lệ thuê bao phát triển mới, có năm còn sụt giảm nhiều hơn số phát triển mới. Có thời điểm, VNPT sở hữu đến 12 triệu thuê bao cố định, có lúc lượng thuê bao này chỉ còn khoảng 8 triệu. Sự hấp dẫn từ thị trường này ngày càng giảm. Ngoài VNPT, còn có 6 nhà cung cấp khác là Viettel, EVN Telecom, SPT, Hanoi Telecom, VTC, FPT đều lần lượt được cấp phép. Chỉ có Viettel, EVN Telecom triển khai mạnh dịch vụ cố định không dây (dựa trên công nghệ vô tuyến và không phải chi phí nhiều cho mạng lưới), còn lại hoặc chỉ cung cấp tại một khu vực, hoặc chỉ phục vụ cho một số ít khách hàng.
Cần điều chỉnh giá cước kết nối
Nhiều nước trên thế giới, kể cả những nước phát triển, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Giới truyền thông những nước này từng đặt câu hỏi: Điện thoại cố định sắp đến thời tuyệt chủng? Họ tự "xếp hạng", điện thoại cố định thời nay chỉ phù hợp với người già, cửa hàng, DN. Nó không còn được giới trẻ, trung niên ưa chuộng.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 8-2010, cả nước có 16 triệu thuê bao cố định (di động là hơn 140 triệu vì có quá nhiều thuê bao ảo). Trong hàng chục năm qua, lượng thuê bao cố định chủ yếu phát triển là hữu tuyến (có dây). Do doanh thu ngày càng giảm, VNPT khó có thể tái đầu tư trở lại mạng lưới trong khi mạng hữu tuyến được coi là xương sống của hạ tầng viễn thông quốc gia…
Trước thực trạng này, ông Trần Mạnh Hùng, Giám đốc VNPT Hà Nội đề xuất, Bộ nên có cách tính hợp lý trong việc điều chỉnh cước kết nối giữa hai mạng. Nên chia làm hai nhóm DN di động: DN chiếm thị phần khống chế và DN nhỏ, từ đó có cách tính cước kết nối. Ví dụ, 3 nhà mạng lớn Viettel, Vinaphone, Mobifone sẽ phải trả cước kết nối ở mức khác với các DN nhỏ. Phương án này sẽ giúp DN cung cấp dịch vụ cố định đỡ gặp khó khăn hơn… Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận sự bất hợp lý trong cách tính giá cước kết nối giữa mạng cố định và di động, đồng thời cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu và sớm trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này để bảo đảm hài hòa cho việc phát triển điện thoại cố định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.