(HNM) - Không nằm ngoài thời gian dự kiến, vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh quan sát Trái đất của Triều Tiên tại bệ phóng đặt ở Tongchang-ri đã được thực hiện vào lúc 7h39 phút giờ địa phương ngày 13-4. Tuy nhiên, không chỉ Triều Tiên mà cả thế giới khá bất ngờ khi vụ phóng thất bại.
Các nhà khoa học Triều Tiên vẫn chưa đưa ra nguyên nhân nhưng nguồn tin của quân đội Hàn Quốc xác nhận, mảnh vỡ tên lửa đã rơi xuống vùng biển cách TP Kunsan của Hàn Quốc khoảng 190-210km ngay sau khi rời bệ phóng hơn 1 phút. Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tên lửa bay được 120km rồi vỡ thành 4 mảnh rơi xuống vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên. Quân đội Mỹ cũng xác nhận Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo Taepodong-2 nhưng đã bị vỡ không lâu sau khi rời bệ phóng.
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh của Triều Tiên qua màn hình tivi ở một nhà ga tại Seoul. |
Dẫu vụ phóng tên lửa từng gây tranh cãi của Triều Tiên thất bại nhưng một loạt phản ứng tức thì từ Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản… ngay sau vụ phóng đã khiến bán đảo Triều Tiên tiếp tục "nóng". Từ Washington, Nhà Trắng tuyên bố, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên dẫu thất bại nhưng vẫn là hành động vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại những cam kết gần đây của Bình Nhưỡng và đe dọa an ninh trong khu vực. Dù nhấn mạnh sẽ tiếp tục đề phòng các hành động của Triều Tiên bằng việc thực thi đầy đủ các cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng sẵn sàng "can dự một cách xây dựng với Bình Nhưỡng".
Hàn Quốc đã chỉ trích vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động khiêu khích" đe dọa hòa bình, an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á. Ngay sau khi diễn ra vụ phóng, Tổng thống Lee Myung-bak đã triệu tập nội các khẩn cấp để đưa ra phản ứng chính thức. Hàn Quốc dự kiến sẽ đưa vấn đề này ra trước Hội đồng Bảo an LHQ. Với Nhật Bản, dù không phải "ấn nút" dàn tên lửa đất đối không PAC 3 đã sẵn sàng ở Tokyo cũng như một số địa điểm khác trên lãnh thổ, nhưng Thủ tướng Yoshihiko Noda vẫn triệu tập phiên họp Ủy ban An ninh. Cùng với chỉ thị các bộ, ngành liên quan tiếp tục được đặt trong tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Y.Noda nhấn mạnh đến các biện pháp thông tin đầy đủ cho người dân; đồng thời tăng cường liên kết với các nước nhằm đối phó thích hợp với vụ thử tên lửa của Triều Tiên... Trước những chỉ trích mạnh mẽ từ Mỹ và đồng minh, Trung Quốc đã lên tiếng hối thúc tất cả các bên bình tĩnh và kiềm chế sau vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên thất bại.
Như vậy, kế hoạch phóng vệ tinh đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15-4 của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un đã không thành công như mong muốn. Thất bại của Triều Tiên ngay lập tức trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu tên lửa khu vực cũng như trên thế giới. Giáo sư Yasaka Tetsuo, chuyên ngành khoa học tên lửa thuộc Đại học Kyushiu (Nhật Bản) cho rằng, thất bại của Triều Tiên có thể do động cơ gần tầng thứ nhất gặp sự cố làm tên lửa bốc cháy và trượt khỏi đường bay dự định. Một số chuyên gia khác lại cho rằng, có thể do tầng thứ hai của tên lửa quá cũ kỹ, gây sự cố khiến tầng thứ nhất và tầng thứ hai không thể tách khỏi nhau, làm quá trình phóng thất bại...
Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên thất bại trong nỗ lực phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh. Gần đây nhất vào năm 2009 nước này cũng đã thực hiện một vụ phóng tương tự nhưng bị rơi xuống Thái Bình Dương. Dù thất bại lần thứ hai liên tiếp nhưng đây vẫn được xem là cơ hội để Triều Tiên thử thiết bị quân sự nhằm đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Triều Tiên từng tuyên bố năm 2012 sẽ là thời điểm đánh dấu sự kiện nước này trở thành cường quốc và vụ phóng tên lửa mang theo vệ tinh sẽ minh chứng cho sự phát triển của công nghệ không gian, vũ trụ của Triều Tiên. Nếu vụ phóng thành công sẽ khẳng định nước này đã sở hữu công nghệ tên lửa tiên tiến và không loại trừ khả năng có thể đưa đầu đạn tới nhiều khu vực trên thế giới. Đây chính là điều một số nước sở hữu tên lửa đạn đạo e ngại và có phản ứng quyết liệt.
Tuy nhiên, nỗ lực của Triều Tiên đã không được đền đáp. Ngược lại, đây là cơ hội quý giá để Mỹ và các quốc gia phương Tây hiểu thêm trình độ công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Song, điều khiến dư luận quan tâm nhất vào lúc này là tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ đi đến đâu sau vụ phóng và bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng khi các quan hệ đang lâm vào trạng thái căng thẳng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.