(HNMCT) - Vĩnh Phúc được biết đến là vùng đất “núi bọc, sông bao, sơn kỳ, thủy tú”, trong đó, dãy Tam Đảo là một trong 3 đỉnh núi thiêng, là “trụ đỡ” về địa lý và tâm linh của người Việt cùng với núi Tản Viên (Ba Vì, Hà Nội) và dãy Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ). Trên dãy Tam Đảo có Khu di tích danh thắng Tây Thiên là nơi giao thoa, hợp thiêng của các nền văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; nơi tín ngưỡng thờ Mẫu cùng Phật giáo cùng song song tồn tại, tạo nên một miền tâm linh đa sắc, linh thiêng và là một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc.
Nơi tôn giáo, tín ngưỡng hòa một
Theo nhiều tài liệu sử học, Tây Thiên là nơi phát tích và là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Vào thế kỷ III trước Công nguyên, phái bộ thứ tám của vua A Dục trên hành trình du hóa từ Ấn Độ đã chọn nơi đây để hoằng truyền Phật pháp. Nhiều di tích đền chùa, miếu mạo từ thời Hùng Vương còn được lưu giữ đến ngày nay là minh chứng cho dấu mốc đáng nhớ này, điển hình là thành Nê Lê, chùa Địa Ngục, chùa Tây Thiên Phù Nghì cùng nhiều ngôi chùa được xây dựng về sau này như chùa Đồng Cổ, chùa Thượng, chùa Thiên Ân (Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên hiện nay). Khi xây dựng thiền viện, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật có niên hiệu từ thời Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn và các di chỉ khảo cổ là minh chứng rõ nét về chốn Tổ Phật giáo tại đây.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trong đó có việc phụng thờ Quốc mẫu Tây Thiên, là một trong ba tín ngưỡng cổ nhất vùng Bắc Bộ, cùng với tín ngưỡng thờ Hùng Vương và tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn thánh. Vĩnh Phúc là nơi duy nhất có tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên, với hơn 50 đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, tập trung chủ yếu ở khu vực thị trấn Đại Đình, xã Tam Quan (huyện Tam Đảo). Năm 2020, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Vĩnh Phúc coi là biểu tượng văn hóa của tỉnh.
Theo ngọc phả thời Hùng Vương, khi Hùng Vương thứ 7 tới Tây Thiên để thỉnh Phật đã gặp gỡ và kết duyên cùng thiếu nữ Lăng Thị Tiêu, người trang Đông Lộ (xã Đại Đình). Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã cùng vua mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn là Tam Đảo sơn trụ Quốc mẫu tối linh Đại vương, Đệ nhất thượng đẳng Phúc thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng ngàn - một trong tứ vị Thánh mẫu linh thiêng được người Việt phụng thờ.
Mặc dù tồn tại song song nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Phật giáo có sự hòa hợp và cùng phát triển, tạo thành bản sắc văn hóa độc đáo chỉ có ở Tây Thiên. Sự kết hợp giữa hình thức thờ Phật - Mẫu đã làm phong phú thêm tín ngưỡng văn hóa dân gian bản địa.
Một địa chỉ du lịch tâm linh hấp dẫn
Tri ân công lao của Quốc mẫu Tây Thiên, vào ngày 15 tháng Hai hằng năm, Lễ hội Tây Thiên được tổ chức tại đền - chùa Thượng, đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hóa, đền Ngò, đền Thỏng và đền Cả (đền Trình). Ông Đỗ Quốc Trọng, Trưởng Ban quản lý Khu danh thắng Tây Thiên cho biết: Trước lễ hội vài ngày, Ban quản lý và đại diện chính quyền địa phương sẽ làm lễ cáo tại đền Thượng. Chính hội diễn ra từ sáng sớm ngày 15 tháng Hai, gồm nhiều nghi thức, đặc sắc nhất là lễ rước 3 kiệu: Kiệu văn đền Mẫu Sinh, kiệu rước nước đền Mẫu Hóa, kiệu bát cống đền Ngò. Các đoàn rước đi trong âm thanh rộn ràng của trống chiêng, đội múa sênh tiền, nhạc bát âm, chấp kích cùng hàng nghìn người dân và du khách thập phương. Lễ vật không thể thiếu là mâm ngũ quả, xôi trắng, lợn quay, bánh chưng, bánh giày...
Lễ hội chính thức được bắt đầu với nghi thức dâng hương, đánh trống khai hội tại đền Thỏng và đền - chùa Thượng. Sau phần lễ là phần hội với nhiều hoạt động, trò chơi dân gian hấp dẫn như liên hoan hát chầu văn gắn với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên; thi đấu vật dân tộc, kéo co, cờ tướng, nhảy bao bố; hội thi làm bánh chưng, bánh gio, bánh giày, thổi cơm; tái hiện các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Sán Dìu, hát soọng cô... Ngày 17 tháng Hai là phần lễ tạ. Mặc dù kết thúc nhưng lễ hội Tây Thiên vẫn thu hút hàng chục nghìn lượt khách hành hương trong suốt những tháng đầu năm. Điều đó khẳng định sức hấp dẫn của Khu di tích danh thắng Tây Thiên - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng năm 2015.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn, tháng 1-2023, tỉnh đã phê duyệt đề án Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ mẫu Tây Thiên giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên gắn với phát triển du lịch bền vững nhằm nâng cao nhận thức, lòng tự hào cho thế hệ trẻ; từng bước bảo tồn, phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.