(HNMCT) - Lễ hội đúc Bụt; Lễ hội Đả cầu cướp phết Bản Giản; Lễ hội kéo song Hương Canh; Lễ hội chọi trâu Hải Lựu... là những lễ hội đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc.
Lễ hội đúc Bụt
Lễ hội đúc Bụt được nhân dân thôn Phù Liễn (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương) tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hằng năm nhằm ôn lại truyền tích Ngọc Kinh công chúa chiêu tập nghĩa sĩ, rèn đúc vũ khí, tụ nghĩa dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Nữ tướng đã ẩn mình là nhà sư tu luyện tại chùa Phù Liễn, dạy dân biết “sĩ - nông - công - cổ” (“sĩ”: Dạy dân học hành, bồi đúc lòng căm thù giặc Hán xâm lược; “nông”: Dạy dân cày cấy, trồng trọt, cung cấp lương thực cho nghĩa sĩ; “công”: Dạy nghề rèn đúc, sản xuất nông cụ và vũ khí đánh giặc; “cổ”: Là cổ giả, nghĩa là dò la tin tức giặc). Cao trào của lễ hội là tích trò “đúc Bụt” và “cướp chiếu” cầu đinh với ý nghĩa tượng trưng cho mong muốn sinh con trai.
Lễ hội Đả cầu cướp phết Bản Giản
Tục đả cầu cướp phết cầu may diễn ra vào chiều mồng 7 tháng Giêng hằng năm tại đền Bồng Lai (xã Bản Giản, huyện Lập Thạch). Lễ hội nhằm ôn lại việc giữ đất, trấn ải của các tướng lĩnh thời Hùng Vương. Tục đả cầu cướp phết Bản Giản diễn ra sôi nổi với sự tham gia của hàng nghìn người nhằm cướp quả cầu bằng gỗ quý, đường kính 35cm để tái hiện tích toàn dân đánh trận, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Lễ hội kéo song Hương Canh
Năm 2014, Lễ hội kéo song Hương Canh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến tháng 12-2015, nghi lễ và trò chơi kéo co, trong đó có trò kéo song Hương Canh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội kéo dài từ mồng 3 đến 5 tháng Giêng, diễn ra tại bãi kéo Song Cầu (thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên). Kéo song là trò chơi biểu dương tinh thần thượng võ của cư dân nông nghiệp. Những màn thi đấu giữa 3 làng: Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường tượng trưng cho việc thao diễn thủy quân của vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Đây là cổ tục của người dân xã Hải Lựu (huyện Sông Lô), cũng là lễ hội chọi trâu cổ nhất ở Việt Nam, tương truyền có từ thế kỷ II trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước ta, thừa tướng Lữ Gia rút quân về vùng Hải Lựu để tổ chức chống giặc. Sau mỗi chiến thắng, ông lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ. Lễ hội được tổ chức trong hai ngày 16 và 17 tháng Giêng hằng năm, thu hút hàng chục nghìn người. Lễ hội chứa đựng những nét văn hóa dân gian đặc sắc, thể hiện tinh thần thượng võ, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước của người Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.