Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tây Ban Nha: Cú giáng mạnh vào đảng cầm quyền

Quỳnh Chi| 30/10/2014 06:36

(HNM) - Tây Ban Nha đang chứng kiến một chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất trong lịch sử khi có tới 51 quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có một số thành viên cao cấp của đảng Nhân dân cầm quyền bị bắt giam ngày 27-10.

Người dân Tây Ban Nha biểu tình chống tham nhũng.


Những người này bị cáo buộc rửa tiền, lợi dụng chức vụ, nhận hối lộ từ các doanh nghiệp để đổi lấy những ưu đãi về chính sách hoặc các hợp đồng xây dựng trị giá gần 250 triệu euro trong vòng hai năm qua. Việc hàng loạt mắt xích quan trọng trong mạng lưới tham nhũng lớn bị phơi bày không chỉ gây chấn động xã hội, châm ngòi cho làn sóng phẫn nộ tại Tây Ban Nha mà còn khiến uy tín đảng Nhân dân của Thủ tướng Mariano Rajoy có nguy cơ tụt dốc trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Trong danh sách "nhúng chàm" có Francisco Granados, từng là nhân vật số 2 của đảng Nhân dân tại Madrid. Chính trị gia này đã từ chức hồi tháng 2, sau khi nhật báo Tây Ban Nha El Mundo đưa tin ông sở hữu tài khoản "đen" trị giá 1,5 triệu euro tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ. Ngoài ra, còn có 6 thị trưởng ở vùng Madrid và người đứng đầu vùng Leon là ông Marcos Martinez Barazon. Đây là sự kiện mới nhất trong loạt bê bối tham nhũng liên quan tới các chính đảng, ngân hàng, câu lạc bộ bóng đá và các thành viên Hoàng gia Tây Ban Nha. Vụ việc xảy ra không lâu sau một cuộc điều tra về việc lạm dụng thẻ tín dụng công vào mục đích cá nhân của hơn 80 quan chức. Trong nhóm quan chức này có cả cựu Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Rodrigo Rato - bị cáo buộc sử dụng tới 15 triệu euro để mua sắm cá nhân, đi săn...

Trong một biện pháp được cho là nhằm "thanh lọc" nội bộ, đảng Nhân dân cầm quyền Tây Ban Nha thông báo đã khai trừ tất cả thành viên bị điều tra liên quan tới vụ bê bối. Ngày 28-10, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thay mặt đảng Nhân dân đã gửi lời xin lỗi tới người dân vì những hành động lạm dụng chức quyền của các quan chức và khẳng định, họ không xứng đáng đứng trong vị trí lãnh đạo, gây những tổn hại cho nỗ lực khôi phục đất nước khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Các chỉ số mới nhất cho thấy, tốc độ phục hồi của xứ sở Bò tót đã bắt đầu chậm lại sau khi đạt mức tăng trưởng với nhịp độ ấn tượng nhất trong vòng 6 năm qua. Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha đã điều chỉnh và nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 1,5% năm 2014 và 2% năm 2015, so với các mức đưa ra hồi đầu năm là 1,2% năm 2014 và 1,8% năm 2015. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Tây Ban Nha chỉ có thể đạt tăng trưởng ở mức 1,3% vào cuối năm. Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm xuống dưới 23,67% trong quý III, mức thấp nhất kể từ năm 2001, nhưng hiện vẫn còn khoảng 5,4 triệu người không có việc làm, trong đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ vẫn ở mức trên 52%. Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền Tây Ban Nha phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới có thể đẩy lùi nạn thất nghiệp và duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây là một thách thức không dễ vượt của Thủ tướng Mariano Rajoy, khi đảng cầm quyền vừa bị một cú giáng mạnh vào uy tín.

Bên cạnh đó, những bất ổn đang âm ỉ tại vùng Catalonia cũng là nguyên nhân khiến lộ trình hồi phục kinh tế Tây Ban Nha đi chệch hướng vì Catalonia là một trong những vùng phát triển nhất, tạo ra 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 25% kim ngạch xuất khẩu của Tây Ban Nha.

Sau khi Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết đình chỉ cuộc trưng cầu ý dân về độc lập tại Catalonia và người đứng đầu chính quyền khu vực Artur Mas tuyên bố đã hủy kế hoạch này, những tưởng tình hình sẽ sớm trở lại bình thường; song tham vọng tách khỏi Tây Ban Nha của ông Artur Mas và nhiều người dân vùng Catalonia vẫn chưa dừng lại. Chính phủ của Thủ tướng M.Rajoy thông báo sẽ kiện lên Tòa án Hiến pháp nhằm phản đối việc làm của chính quyền vùng Catalonia và đề nghị Hội đồng Nhà nước nhanh chóng đưa ra phán quyết và đưa ra cách thức ứng phó với kế hoạch của vùng Catalonia tại cuộc họp nội các dự kiến diễn ra vào ngày 31-10; thế nhưng, những gì diễn ra tại Catalonia thời gian qua dự báo cơn sóng ngầm có thể nổi lên bất cứ lúc nào, đe dọa sự ổn định của đất nước hơn 40 triệu dân này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tây Ban Nha: Cú giáng mạnh vào đảng cầm quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.