Tàu thăm dò hiện đại của NASA có thể thu về những dữ liệu quý giá, giúp các nhà khoa học hiểu được bí mật của những cơn bão Mặt trời.
Hơn 1 năm kể từ khi bắt đầu sứ mệnh thăm dò Mặt trời, tàu thăm dò Parker Solar Probe (PSP) của NASA đã thu về được nhiều dữ liệu quý giá cho các nhà khoa học.
Được phóng lên từ tháng 8-2018, PSP đang trong quỹ đạo bay quanh Mặt trời và Kim tinh theo hình elip để tiến sát đến ngôi sao trong Hệ Mặt trời. Đây là tàu thăm dò đầu tiên tiến tới bầu khí quyển của Mặt trời, và vì quỹ đạo ngày càng gần Mặt trời, tốc độ của PSP cũng tăng liên tục để đạt tới vận tốc cao nhất trong lịch sử.
"Chúng ta đã biết được rất nhiều điều về ngôi sao duy nhất của Hệ Mặt trời, nhưng vẫn cần đến một nhiệm vụ như Parker Solar Probe để tiến vào tầng khí quyển Mặt trời. Chỉ sau 3 vòng bay quanh Mặt trời, chúng tôi đã thu thập đủ dữ liệu để thay đổi nhiều kiến thức từ trước tới nay", Noure E. Raouafi, khoa học gia trưởng của dự án cho biết.
Trong các bài báo nghiên cứu vừa đăng tải, những nhà nghiên cứu đã giải thích các kết quả đo đạc mới nhất từ vùng nhật hoa (corona), là vùng ngoài của khí quyển Mặt trời. Các dữ liệu này được ghi lại từ hai lần PSP tiến sát Mặt trời, nhất vào tháng 11-2018 và tháng 4-2019.
Nhiệt độ của vùng nhật hoa dao động 2-5 triệu độ C. Đây cũng là khu vực tạo ra các trận gió Mặt trời, là các dòng hạt chứa đầy năng lượng bắn từ Mặt trời ra các hướng.
Những phân tích từ thiết bị thu thập hạt trên PSP cho thấy, gió Mặt trời ở gần ngôi sao này có những diễn biến khó hiểu khi từ trường đảo chiều. Gió Mặt trời khi đi ra sẽ có hình xoắn kiểu chữ S trước khi bay thẳng. Những hình xoắn này không phù hợp với bất kỳ mô hình nào trước đây, và các nhà khoa học vẫn chưa giải thích được.
"Dòng xoáy gió Mặt trời là một ngạc nhiên thực sự. Mặc dù chúng tôi đã dự đoán điều này khi đến gần Mặt trời, tốc độ của chúng gấp gần 10 lần so với các mô hình dự đoán trước đây", nhà nghiên cứu Justin Kasper giải thích.
Khi nghiên cứu nhật hoa, PSP cũng phát hiện một vùng có thể gọi là "vùng không bụi" ngay sát Mặt trời. Đây là một giả thuyết đã được đưa ra từ những năm 1970, nhưng sẽ cần thêm nhiều quan sát nữa mới có thể xác nhận.
Nhiệm vụ của PSP sẽ tiếp tục trong khoảng 5 năm nữa. Tàu thăm dò này sẽ liên tục quay theo quỹ đạo quanh Mặt trời và Kim tinh, mỗi vòng sẽ gia tăng tốc độ và đến gần Mặt trời hơn. Theo tính toán, khoảng cách gần nhất mà PSP tiếp cận Mặt trời là 7 triệu km, gần hơn nhiều so với hành tinh gần Mặt trời, nhất là Kim tinh (46 triệu km).
Tàu thăm dò này sẽ không hoạt động một mình mãi mãi. Vào năm 2020, châu Âu sẽ phóng lên một tàu thăm dò khác hướng về Mặt trời, nhưng chỉ tiếp cận đến khoảng cách 42 triệu km. Hai dự án này được kỳ vọng sẽ giúp con người giải đáp được hàng loạt câu hỏi về Mặt trời, quả cầu lửa khổng lồ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.