Các tàu của Trung Quốc hôm qua (30/10) đã xua đuổi một loạt tàu thuyền của Nhật Bản ra khỏi vùng lãnh hải gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Theo tờ Tân Hoa xã, 4 tàu hải giám của họ đã chặn một số tàu thuyền của Nhật Bản ở vùng lãnh hải tranh chấp. Tuy nhiên, tờ báo này không cho biết cụ thể, bao nhiêu tàu của Nhật Bản bị Trung Quốc chặn lại và làm thế nào họ khiến cho những con tàu đó phải rời khỏi vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trang tin Trung Quốc của AGI - agichina24.it cũng đăng tải thông tin tàu Trung Quốc xua đuổi tàu Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Tuy nhiên, theo AGI, tàu thuyền Nhật Bản bị chặn lại không phải bởi 4 tàu hải giám Trung Quốc mà là 4 tàu chiến Trung Quốc cùng với 2 tàu đánh cá.
AGI đưa tin, 4 tàu chiến và 2 tàu đánh cá Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải tranh chấp và giương cao một tấm biển điện tử lớn, trên đó có một dòng chữ bằng cả tiếng Trung Quốc và Nhật Bản, yêu cầu “tàu thuyền Nhật Bản ngay lập tức rời khỏi vùng lãnh hải của Trung Quốc”.
Bản tin trên AGI cho hay, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã xác nhận 4 tàu chiến của họ đi vào vùng lãnh hải quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để thực hiện các cuộc tuần tra định kỳ nhằm bảo vệ quyền hàng hải của Trung Quốc. “Chúng tôi kiên quyết khẳng định chủ quyền của mình và đã xua đuổi tàu thuyền Nhật Bản ra khỏi khu vực”, tuyên bố của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc cho biết.
Về phía mình, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng đã xác nhận, sáng hôm qua, 4 tàu hải giám của Trung Quốc lại tiếp tục đi vào vùng lãnh hải tranh chấp gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
4 tàu của Trung Quốc đã vào vùng lãnh hải ngoài khơi đảo Uotsurijima trong thời gian từ 10h50 đến 11h10 sáng qua và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã yêu cầu những chiếc tàu này rời đi.
Theo Đơn vị Bảo vệ Bờ biển số 11 của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện ở vùng tranh chấp gồm có tàu Haijian 15, 26, 27 và 50. Tại đây, tàu Haijian 50 đã giương lên một tấm biển điện tử có thông điệp viết bằng cả tiếng Nhật và tiếng Trung với nội dung: “Tàu thuyền của các bạn đang đi vào lãnh thổ của Trung Quốc. Đề nghị các bạn rời khỏi đó ngay lập tức”.
Ngoài 4 tàu hải giám của Trung Quốc còn có 2 tàu ngư nghiệp khác đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải, đưa số tàu thuyền của Trung Quốc ở vùng tranh chấp lên 6 chiếc.
Theo Nhật Bản, 4 tàu hải giám Trung Quốc đã đi hẳn vào vùng lãnh hải của họ trong khi hai tàu ngư nghiệp liên tục ra vào vùng tiếp giáp lãnh hải. Chính phủ Nhật Bản đã chính thức gửi văn bản phản đối đến Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Tokyo.
Vụ Trung Quốc xua đuổi tàu thuyền Nhật Bản ở biển Hoa Đông diễn ra chỉ vài ngày sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Zhijun tuyên bố, nước này sẽ dùng vũ lực để đáp trả mạnh mẽ nếu Nhật Bản “gây ra những vụ việc” ở vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các hành động của Nhật Bản liên quan đến quần đảo Điếu Ngư và những vùng lãnh hải xung quanh. Nếu Nhật Bản tiếp tục đi theo con đường sai lầm, tiếp tục có thêm những hành động sai trái và gây ra những vụ việc liên quan đến quần đảo Điếu Ngư, thách thức Trung Quốc, Trung Quốc chắc chắn sẽ áp dụng những biện pháp mạnh để đáp trả điều đó”, Thứ trưởng Zhang cảnh báo. Ông này cũng tuyên bố, "Trung Quốc không thiếu những biện pháp để đáp trả Nhật Bản”.
Thứ trưởng Zhang khẳng định, Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền. Vì vậy, Trung Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ hành động thách thức nào nhằm vào vấn đề chủ quyền.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này chưa có người sinh sống nhưng lại sở hữu nguồn cá dồi dào và được cho là chứa một nguồn trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai.
Nhật Bản đã kiểm soát những hòn đảo nhỏ chưa có người sinh sống ở biển Hoa Đông từ năm 1895 và đặt tên cho nhóm đảo nhỏ này là quần đảo Senkaku. Từ 1945-1972, Mỹ quản lý quần đảo này và sau đó trả về cho phía Nhật Bản. Hiện tại, Tokyo đang kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư nhưng Trung Quốc không chấp nhận điều đó. Cuộc tranh chấp xung quanh quần đảo này là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Nhật thường xuyên rơi vào căng thẳng.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa hai cường quốc Châu Á liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lại bùng lên dữ dội trong những tuần gần đây sau khi Nhật Bản quyết định mua lại quần đảo tranh chấp từ tay những chủ sở hữu tư nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.