Tính đến tháng 5-2024, số lượng thuê bao 2G only đã giảm đáng kể, chỉ còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc. Theo kế hoạch thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, các doanh nghiệp di động dự kiến số thuê bao 2G only đến tháng 9-2024 còn 0%, hoặc còn số lượng chiếm dưới 5% tổng số thuê bao của nhà mạng.
Sáng 18-7, Báo VietNamNet phối hợp với Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?”.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho biết, những năm gần đây, số lượng các nhà khai thác trên thế giới dừng công nghệ 2G tăng lên đáng kể và tất cả các nước đều lên kế hoạch dừng 2 công nghệ 2G, 3G vào năm 2030. Tính đến tháng 6-2024, theo thông tin thu thập được, có khoảng 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G.
Tại Việt Nam, cả 2 công nghệ 2G và 3G đều đã có kế hoạch dừng. Với 2G thì thực hiện theo 2 giai đoạn 2024 và 2026. Việc dừng công nghệ 2G theo 2 pha. Pha 1, tắt sóng vào tháng 9-2024, dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only). Pha 2 tắt sóng 2G vào tháng 9-2026. Các doanh nghiệp dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G tại các khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G.
Chủ trương dừng hoàn toàn công nghệ 3G sẽ được thực hiện vào tháng 9-2028.
Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, việc dừng công nghệ 2G đem lại lợi ích cho người dân, xã hội và các doanh nghiệp.
Đối với người dân, khách hàng đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G sẽ được nhà mạng hỗ trợ qua các hình thức hỗ trợ tiền mua đầu cuối là thiết bị đầu cuối thông minh, hỗ trợ các gói cước sử dụng dữ liệu có nhiều tính năng hiện đại hơn thích hợp với công nghệ mới.
Đối với doanh nghiệp, việc tắt công nghệ 2G và tương lai gần là 3G sẽ giảm chi phí vận hành của doanh nghiệp; đồng thời, giúp nhà mạng tập trung tài nguyên tần số, nhân lực cho nâng cao chất lượng, vùng phủ mạng 4G và tập trung đầu tư phát triển công nghệ 5G. Dự kiến, sẽ giúp tăng lưu lượng dữ liệu di động, qua đó, giúp nhà mạng tăng trưởng doanh thu nhờ cung cấp các dịch vụ, ứng dụng…
Đối với Nhà nước, việc không khai thác công nghệ lỗi thời, tiêu hao năng lượng lớn sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính, dần từng bước triển khai mạng di động sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông để triển khai việc hỗ trợ qua quỹ viễn thông công ích. Đồng thời, Bộ làm việc với các tỉnh, thành phố sử dụng các nguồn ngân sách trên địa bàn để có thể hỗ trợ người dùng yếu thế.
Bộ yêu cầu nhà mạng ngoài việc thực hiện giải pháp hỗ trợ thuê bao 2G only, phải xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể tới những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; cá thể hóa công tác truyền thông và hình thức hỗ trợ để phù hợp với các thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên.
“Bộ đang và sẽ tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như truyền thông tới từng thuê bao; có giải pháp hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng, đặc biệt là người dùng yếu thế như người già, người có thu nhập thấp; người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, ông Nguyễn Phong Nhã nhấn mạnh.
Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, đại diện các nhà mạng VinaPhone, MobiFone, Viettel cho biết, đã, đang triển khai hạ tầng mạng 4G bảo đảm thay thế các trạm 2G đã tắt. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.