Nông thôn mới

Tập trung xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận

Ánh Dương thực hiện 25/08/2023 - 06:57

Ngày 27-8-2023, huyện Gia Lâm sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận. Theo đó, trong thời gian qua, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện đã cùng chung sức tạo nên những thành tựu ý nghĩa để đưa Gia Lâm trở thành một quận của thành phố Hà Nội.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về quá trình thực hiện xây dựng huyện thành quận và những kết quả đạt được của huyện trong thời gian qua.

dang-thi-huyen.jpg
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền.

- Với việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, thành phố Hà Nội sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa của Thủ đô nói chung. Đồng chí có thể cho biết ý nghĩa của việc thành lập quận Gia Lâm?

- Việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua; phù hợp Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Việc thành lập quận Gia Lâm giúp củng cố hơn nữa thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội; bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, lâu dài của đô thị. Đây cũng là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy, phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có của Gia Lâm; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, các công trình hạ tầng đô thị, giao thông, y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư đồng bộ; nhân dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với điều kiện thuận lợi và chất lượng tốt hơn. Cùng với đó, những dự án hợp tác phát triển của các thành phần kinh tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

- Huyện đã có được những điều kiện, tiêu chuẩn nào để sớm hoàn thành xây dựng quận Gia Lâm?

- Gia Lâm đã cơ bản bảo đảm đạt 5/5 nhóm tiêu chuẩn thành lập quận, các xã, thị trấn của huyện đã đạt 4/4 nhóm tiêu chuẩn thành lập phường theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Hơn 20 năm trở lại đây, Gia Lâm có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều cụm công nghiệp, các khu đô thị mới được hình thành; các tuyến đường được mở rộng, xây dựng mới, làm thay đổi cơ bản diện mạo của huyện. Huyện đã có những khu đô thị, khu phố thuộc địa giới hành chính của nhiều xã, thị trấn, như: Trâu Quỳ, Đặng Xá, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đa Tốn...

Gia Lâm cũng đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và là địa phương có số xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhiều nhất thành phố.

- Trên cơ sở hiện có, huyện đã xây dựng phương án thành lập quận như thế nào, thưa đồng chí?

- Quận Gia Lâm sẽ hình thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện; giữ nguyên trụ sở làm việc hiện nay của Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Huyện cũng thực hiện rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng để phù hợp với xu thế phát triển Gia Lâm thành quận.

Để bảo đảm 100% đơn vị hành chính cấp xã đều là phường khi thành lập quận theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15, Gia Lâm đã xây dựng phương án sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn trực thuộc và dự kiến thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn hiện tại.

Đó là, 6 phường thành lập trên cơ sở nguyên trạng (Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi); 4 phường thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính (thị trấn Trâu Quỳ và các xã Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ); 6 phường thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng diện tích và dân số của 12 xã, thị trấn: Phường Yên Viên (hợp nhất thị trấn Yên Viên và xã Yên Viên); phường Phù Đổng (hợp nhất xã Phù Đổng và xã Trung Mầu); phường Phú Sơn (hợp nhất xã Phú Thị và xã Kim Sơn), phường Bát Tràng (hợp nhất xã Bát Tràng và xã Đông Dư), phường Kim Đức (hợp nhất xã Kim Lan và xã Văn Đức).

Việc thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận, góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tăng cường thu hút đầu tư, tiếp tục cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng.

- Thời gian qua, cả hệ thống chính trị huyện và nhân dân đã cùng chung sức, nỗ lực, nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí quận, phường. Xin đồng chí cho biết rõ hơn những kết quả huyện đã đạt được?

- Thực hiện chủ trương xây dựng huyện thành quận theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, huyện Gia Lâm đã được các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp, tạo điều kiện để triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế của huyện tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu thuộc huyện quản lý tăng bình quân 8,68%/năm; hiện thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện bình quân 3.981 tỷ đồng/năm…

Qua rà soát, đến nay, huyện Gia Lâm đã đạt 5/5 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 30/31 tiêu chí của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Quận Gia Lâm sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 116,64km2, quy mô dân số 309.353 người, có 16 đơn vị hành chính phường.

Gia Lâm trở thành quận cũng là động lực mạnh mẽ, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để bứt phá, vươn lên phát triển bền vững, trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung xây dựng huyện Gia Lâm trở thành quận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.