(HNM) - Cùng với mục tiêu của TP Hà Nội có thêm 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017, nhiều huyện đã đăng ký thêm, nâng con số này lên 51 xã...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra tại HTX Sản xuất rau sạch Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều chuyển biến quan trọng
Mới đây, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” đã kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình tại huyện Hoài Đức và Chương Mỹ. Kết quả kiểm tra cho thấy, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU đã được các địa phương đẩy mạnh, đạt kết quả cao. Trong sản xuất nông nghiệp, các huyện có chuyển biến về năng suất, chất lượng hàng nông sản.
Đặc biệt, sau thành công của chương trình dồn điền, đổi thửa, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã chuyển sang sản xuất chuyên canh, hiệu quả cao như trồng nhãn chín muộn ở An Thượng, bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở và Yên Sở (Hoài Đức); bưởi Diễn ở Nam Phương Tiến, chăn nuôi ở Đại Yên (Chương Mỹ). Đặc biệt, ở xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ), nông dân đã cơ giới hóa sản xuất, giải phóng sức lao động. Tại HTX Sản xuất rau sạch Ngọc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã thu hút 27 xã viên tham gia sản xuất trên diện tích 5ha theo quy trình sản xuất hữu cơ có sự liên kết với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ. Hiện nay, HTX đã đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm hiện đại, có hệ thống quan trắc thời tiết phục vụ sản xuất...
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, năm 2017, thành phố giao chỉ tiêu cho các huyện có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đến nay, các huyện đã đăng ký thêm và tăng con số này lên 51 xã. Các huyện Hoài Đức và Thanh Trì đã có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hiện cả hai địa phương này đang tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Gỡ khó về vốn và quy hoạch
Tuy đạt kết quả cao trong xây dựng nông thôn mới nhưng ở các địa phương vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ. Tại huyện Chương Mỹ, Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng cho biết, khó khăn lớn nhất đối với địa phương hiện vẫn là vốn. Theo Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về kế hoạch đầu tư công trung hạn, danh mục các công trình trọng điểm và danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố ban hành ngày 6-12-2016, thì huyện Chương Mỹ được bố trí 60,8 tỷ đồng cho giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đến nay, thành phố mới cấp cho huyện 30,8 tỷ đồng. Tương tự, đối với vốn đầu tư các công trình trường học công lập, huyện Chương Mỹ có 4 trường học được đầu tư với kinh phí hơn 98 tỷ đồng (từ nguồn vốn xổ số kiến thiết), đến nay thành phố mới bố trí cho huyện được hơn 55 tỷ đồng...
Theo ông Đinh Mạnh Hùng, bên cạnh khó khăn về vốn, huyện Chương Mỹ cũng kiến nghị thành phố quan tâm bố trí đủ kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ ở các xã: Phú Nghĩa, Tiên Phương, Ngọc Hòa... để sớm có mặt bằng trao trả đất dịch vụ cho các hộ; hỗ trợ kinh phí cho các trường học, trạm y tế phấn đấu đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2017 - 2020, trong đó ưu tiên các xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Đối với huyện Hoài Đức, khó khăn lại ở lĩnh vực khác. Bí thư Huyện ủy Hoài Đức Vương Duy Hướng cho biết: Sông Đáy chạy qua nhiều xã trên địa bàn huyện nhưng đến nay vẫn chưa có quy hoạch hành lang thoát lũ. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và sản xuất của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Hoài Đức đề nghị thành phố sớm có quy hoạch vùng phân lũ và cắm mốc giới rõ ràng để huyện tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đô thị đã được phê duyệt, tránh lãng phí đất đai, gây bức xúc cho nhân dân và cho phép huyện lập đề án, có cơ chế phù hợp mở rộng vùng trồng rau an toàn…
Để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Phạm Văn Khương cho rằng, hiện nay thành phố đã phân cấp dành toàn bộ nguồn thu đấu giá đất của huyện để lại cho huyện đầu tư xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các huyện cần rà soát lại diện tích xen kẹt, quy hoạch các điểm đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn thu. Ngoài ra, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, các huyện cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và tìm giải pháp bền vững trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Để giúp các huyện khắc phục khó khăn, sớm "cán đích" nông thôn mới, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành liên quan đề xuất thành phố hướng giải quyết từng nội dung, tiêu chí cụ thể. Về khâu tiêu thụ nông sản, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Thành phố sẽ giới thiệu cho nông dân Chương Mỹ các địa chỉ tiêu thụ rau sạch, lúa chất lượng cao, chăn nuôi an toàn tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để người dân yên tâm sản xuất, mở rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.