LTS: Trong bất cứ giai đoạn nào, TP Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu: Xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm, đời sống nhiều gia đình vùng khó khăn của TP Hà Nội đã được cải thiện rõ rệt.Ảnh: Bá Hoạt |
Bài 1: Dẫn đầu về công tác an sinh xã hội
Mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, song trong 10 năm qua, Hà Nội luôn bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và là địa phương luôn dẫn đầu về công tác này của cả nước.
An sinh cho mọi người dân
An Phú - xã nghèo của huyện Mỹ Đức, là một trong những nơi khó khăn nhất của Thủ đô với 68% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Song, nhờ những chính sách an sinh xã hội của thành phố và địa phương nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao, cơ bản không còn hộ ở nhà tạm, nhà dột nát. Tương tự, đời sống của bà con dân tộc ở vùng xa, vùng miền núi thuộc các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… có những bước chuyển đáng kể.
Anh Nguyễn Văn Trung, ở xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), phấn khởi: Trong 10 năm qua, đời sống của người dân nơi đây được quan tâm toàn diện. Điện, đường, trường, trạm, hệ thống nước sạch… được đầu tư. Những gia đình khó khăn được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, được vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…
Không chỉ khu vực miền núi, đời sống người dân các huyện Ứng Hòa, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn… cũng được quan tâm đầy đủ. Theo Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn, riêng nguồn kinh phí dành cho công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công trên địa bàn huyện mỗi năm lên tới hơn 150 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện Mỹ Đức được các quận, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp của Hà Nội hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi, tặng quà dịp lễ, Tết với số tiền hàng chục tỷ đồng…
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn cho biết, nếu như năm 2008 trên địa bàn huyện mới chỉ có 18/90 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỷ lệ 20%), thì đến nay, toàn huyện đã có 58/90 trường được công nhận đạt danh hiệu này (tỷ lệ 64,44%); đặc biệt có 29/29 xã, thị trấn của huyện đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Hiện tại, huyện có 6 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, với tổng công suất 4.500m3/ ngày - đêm và thành phố đã có chủ trương đầu tư mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã trên địa bàn huyện đến năm 2020, với công suất dự kiến 33.730m3/ngày - đêm…
Ông Nguyễn Kim Phung, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hà Nội cho rằng, các chính sách, chương trình giảm nghèo của thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. 100% hộ nghèo của Hà Nội có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh đều được vay vốn ưu đãi và Hà Nội là một trong những địa phương có đồng vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội lớn nhất cả nước, với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng…
Nhờ đó, số hộ nghèo của thành phố giảm nhanh chóng. Cụ thể, đầu năm 2016, thành phố áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, khi đó số hộ nghèo lên tới 65.377 hộ (chiếm tỷ lệ 3,64%), thì đến cuối năm 2017, toàn thành phố chỉ còn 32.619 hộ nghèo (tỷ lệ 1,69%); không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, trong 10 năm qua, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 6.355 nhà ở cho người có công, với tổng kinh phí hơn 222 tỷ đồng; vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được gần 309 tỷ đồng; tặng 56.312 sổ tiết kiệm tình nghĩa, với số tiền hơn 48 tỷ đồng; tu sửa, nâng cấp 1.192 công trình ghi công, với tổng kinh phí khoảng 675 tỷ đồng…
Đưa công tác giảm nghèo đi vào chiều sâu
Chăm sóc người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. Ảnh: bá hoạt |
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác an sinh xã hội của thành phố vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, cần được khắc phục. Theo Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh, hệ thống chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố còn chồng chéo, các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời ở một số địa phương.
Còn theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TP Hà Nội Nguyễn Kim Phung, mặc dù nguồn vốn dành cho người nghèo và các đối tượng yếu thế đã được quan tâm, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều ý kiến cho rằng các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố cần tiếp tục tập trung nguồn lực hỗ trợ giảm nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; các xã vùng xa, miền núi, ven sông và những xã, thôn đặc biệt khó khăn; đồng thời lồng ghép với các chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai đồng bộ các chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đưa công tác giảm nghèo từng bước đi vào chiều sâu.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Khuất Văn Thành cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tích cực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân; nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực cho người nghèo vươn lên, giảm nghèo bền vững. Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển dịch vụ xã hội bền vững và dễ tiếp cận người dân; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công, nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp xã hội…
(Còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.