(HNM) - Ngay sau bế mạc Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020, Thường trực Thành ủy đã chủ trì họp báo, thông báo kết quả Đại hội và trả lời các câu hỏi của báo chí liên quan đến nhân sự Đại hội...
4 Phó Bí thư Thành ủy chủ trì họp báo công bố kết quả Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt
- Sau Đại hội, Ban Chấp hành sẽ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội như thế nào, nhất là đối với các lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng nông thôn mới, thưa đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy?
- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Sau Đại hội, Ban Chấp hành sẽ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI bằng các chương trình công tác trọng tâm. Đảng bộ thành phố sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá để từ đó đề ra những kế hoạch cụ thể, tập trung giải quyết những vấn đề lớn của Hà Nội về kinh tế, quy hoạch, trật tự đô thị, nông thôn mới, giáo dục, an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là đổi mới phương pháp công tác... Đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm cụ thể mà Ban Chấp hành sẽ thực hiện. "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt" vẫn là định hướng xuyên suốt trong cả nhiệm kỳ tới của Đảng bộ thành phố. Ban Chấp hành khóa mới sẽ có những giải pháp quyết liệt, đổi mới phương pháp làm việc, tiếp tục phát huy kinh nghiệm qua các thời kỳ và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Đại hội đã thành công tốt đẹp trên mọi phương diện. Nguyên nhân của thành công trước hết là sự quan tâm sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ công tác chỉ đạo triển khai việc xây dựng văn kiện, công tác nhân sự, trong ngày khai mạc, ngày bế mạc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tham dự, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ý kiến chỉ đạo Đại hội rất quan trọng. Công tác chuẩn bị văn kiện trình Đại hội cũng được các đồng chí trong Ban Chấp hành khóa XV thực hiện công phu, chặt chẽ, đúng quy định; sự đóng góp tham luận của các đơn vị, cơ sở, công tác hậu cần chu đáo, đặc biệt là sự quan tâm, theo dõi, dành tình cảm đặc biệt từ mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, bạn bè các tỉnh, thành phố đã góp phần thành công của Đại hội. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành khóa mới sẽ có kế hoạch cụ thể, xây dựng các chương trình công tác lớn, sớm đưa Nghị quyết vừa được thông qua vào cuộc sống. Thay mặt Thường trực Thành ủy, tôi chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của các cơ quan báo, đài của Trung ương và Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội.
Tiếp tục nỗ lực giảm khoảng cách giữa nông thôn với thành thị
- Về việc xây dựng nông thôn mới, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc và khắc phục bất cập trong xây dựng trường chuẩn quốc gia... Hà Nội có những định hướng và giải pháp nào?
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Bích Ngọc: Hà Nội sau hợp nhất có đơn vị hành chính rộng, dân cư đông, đặc biệt có cả các xã miền núi. Thời gian qua, TP Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm đến đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào nghèo, dân tộc miền núi, nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất nhiều, đời sống của người dân các xã khó khăn ở Ba Vì, Mỹ Đức..., cũng được cải thiện đáng kể. Thời gian tới đây, Thường trực Thành ủy vẫn sẽ chú trọng công tác phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Trước mắt, sẽ cụ thể hóa Nghị quyết bằng những chương trình cụ thể. HĐND thành phố sẽ rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách của Hà Nội. Cơ chế, chính sách nào đang phát huy thì tiếp tục; còn những cơ chế, chính sách nào hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp sẽ được xem xét, bổ sung, thay thế để thực hiện mục tiêu chung là phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Hà Nội, giảm khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Hà Nội có quy mô giáo dục lớn, với 2.500 trường, 1,7 triệu học sinh và đang là địa phương đi đầu về chất lượng giáo dục. Chỉ tiêu Đại hội nhiệm kỳ vừa qua đề ra về trường đạt chuẩn quốc gia là 50-55%, và đến nay đã đạt 50%. Tuy nhiên, dù tỷ lệ cao, nhưng chưa đồng đều các vùng miền, có địa bàn đạt 90%, có nơi chỉ 20-30%. Vừa qua, HĐND thành phố đã giám sát. Với 5 huyện còn khó khăn về vốn như Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức... đã đề xuất với UBND có cơ chế chính sách tháo gỡ. Đối với những quận còn khó khăn về mặt bằng, thành phố có chủ trương di dời một số cơ sở bệnh viện, nhà máy... từ nội thành ra ngoại thành để có quỹ đất xây dựng trường học. Trong nhiệm kỳ vừa qua, thành phố đã xây dựng được 8 trường tại 3 quận lõi của Hà Nội và thành phố sẽ tiếp tục chủ trương này, phấn đấu 65-70% trường đạt chuẩn trong nhiệm kỳ mới.
Kết quả bầu cử nhân sự được đánh giá rất cao
- Đồng chí đánh giá thế nào về chất lượng, nhân tố mới trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVI? Lý do tại sao tỷ lệ cán bộ trẻ chưa cao và Hà Nội sẽ có giải pháp nào để thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ?
- Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn: Để có kết quả bầu cử nhân sự thành công và được đánh giá rất cao tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, các công việc chuẩn bị nhân sự đã được thực hiện công phu, chu đáo. Công tác chuẩn bị nhân sự không chỉ được tiến hành trong một vài tháng mà đã được tiến hành lâu dài, từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển thử thách... 85 đồng chí được giới thiệu để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa mới đều được lấy ý kiến từ cơ sở, có ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân và nơi cư trú... Tất cả 85 đồng chí giới thiệu bầu đều bảo đảm tiêu chuẩn, đạt được tín nhiệm cao từ cơ sở và kết quả bầu Ban Chấp hành cũng đạt được theo đúng tiêu chí, định hướng của Trung ương. Ban Chấp hành có sự đổi mới 1/3 (đạt tỷ lệ 33,8%), tỷ lệ nữ đạt 12,2% (tăng hơn 2,2% so với khóa trước), tuổi bình quân 50,93 tuổi, giảm so với nhiệm kỳ trước (51,82 tuổi). 100% đồng chí trong Ban Chấp hành có trình độ đại học trở lên, trong đó 85% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Cơ cấu Ban Chấp hành có đầy đủ đại diện các lĩnh vực quan trọng của Thủ đô, thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy. Với những yếu tố này, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ phát huy hết khả năng, hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Tỷ lệ cán bộ trẻ tham gia Ban Chấp hành kỳ này còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn tin tưởng khả năng phát triển cũng như đóng góp của cán bộ trẻ đối với sự phát triển Thủ đô, bởi trong số 103 đồng chí cán bộ nguồn của thành phố xây dựng cho năm 2020 và những năm tiếp theo, phần lớn là cán bộ trẻ, đáp ứng được nguồn cho 2 đến 3 nhiệm kỳ nữa. Với trách nhiệm của mình, là Phó Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, tôi sẽ tham mưu với Thành ủy khi bố trí nguồn cán bộ bổ sung sẽ chú trọng đến tiêu chí nguồn cán bộ trẻ. Điều đó cũng cho thấy sự tin tưởng, mong muốn, kỳ vọng của Đảng vào thế hệ trẻ.
Về phân công nhiệm vụ trong Thường trực Thành ủy, đồng chí Bí thư Thành ủy sẽ do Bộ Chính trị phân công sau Đại hội XII của Đảng; đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Nguyễn Đức Chung làm Phó Bí thư và sau Đại hội sẽ được giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch UBND thành phố, còn tôi làm Phó Bí thư phụ trách công tác xây dựng Đảng.
Lòng tin của người dân là thuận lợi lớn
- Đồng chí có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội? Những giải pháp nhằm tiếp tục chấn chỉnh tư thế, tác phong của cán bộ, chiến sĩ CAND trong quá trình thực thi công vụ?
- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Đức Chung: Như các đồng chí đã biết, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVI đã đề ra 3 khâu đột phá, trong đó có "Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức...". Để cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống nhằm xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ, đáp ứng kỳ vọng của người dân không chỉ là nhiệm vụ của riêng tôi mà còn là trách nhiệm của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ tới. Thời gian tới, Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục quan tâm lĩnh vực này, tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhằm xây dựng nền hành chính vì nhân dân phục vụ đúng như sự kỳ vọng của người dân.
Đại hội đã tín nhiệm bầu tôi vào Ban Chấp hành. Sự tín nhiệm của đại biểu dự Đại hội và kỳ vọng của nhân dân đối với tôi trong những năm qua trên các cương vị khác nhau trong ngành Công an đó chính là những thuận lợi nhất đối với tôi trong thời gian tới. Với cương vị mới sẽ có khó khăn nhất định, nhưng sự kế thừa kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước và lòng tin của người dân sẽ là động lực để tôi vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.