Những năm qua, 14 xã thuộc vùng dân tộc, miền núi của Hà Nội đã được ưu tiên nguồn lực, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển giao thông, thủy lợi, nước sạch, y tế, văn hóa, giáo dục...
Nhờ đó, hệ thống hạ tầng ở các xã ngày một khang trang, đồng bộ; cái nghèo, cái khó dần lùi xa. Năm 2024, người dân các xã này lại có thêm niềm vui mới, khi nhiều dự án tiếp tục được triển khai ngay từ đầu năm.
Đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng
Cầu Bài bắc qua con suối nối tuyến đường giao thông huyết mạch từ trung tâm xã Yên Bài (huyện Ba Vì) đi Ba Vành - suối Mơ vừa được đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2023, thay cho cây cầu sắt cũ kỹ, nhỏ bé. Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Thành phấn khởi cho biết, từ khi có cầu mới, xe trọng tải lớn có thể đi lại dễ dàng qua các thôn Bài, Quýt, Mít Mái…, người dân thuận lợi hơn nhiều trong giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Ngoài ra, Trạm Y tế xã Yên Bài cũng được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, Ba Vì là địa phương tập trung đông người dân tộc thiểu số nhất thành phố Hà Nội, với hơn 28.000 người, sinh sống chủ yếu ở 7 xã miền núi: Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Trại. Những năm gần đây, các xã dân tộc miền núi được đầu tư nguồn lực lớn từ thành phố và tất cả đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ với Ba Vì, tại huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Quang Tuấn cho hay, trên địa bàn huyện có 2 xã dân tộc miền núi là Đông Xuân và Phú Mãn, trong đó người Mường chiếm 83%. Cả 2 xã hiện đều có hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn được trải nhựa; đường ngõ, xóm được đổ bê tông sạch, đẹp…
Theo Ban Dân tộc thành phố Hà Nội, đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô cư trú tập trung tại 119 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, trong đó chủ yếu là người Mường và người Dao. Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã dành nguồn lực đầu tư rất lớn cho khu vực miền núi. Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã dành hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giải quyết việc làm… cho khu vực này.
Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030, năm 2023, thành phố bố trí hơn 114 tỷ đồng cho 15 dự án, nâng lũy kế đầu tư lên hơn 1.050 tỷ đồng cho 95 dự án. Trong đó có 53 công trình, dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; 42 dự án đang triển khai, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Triển khai nhiều dự án hỗ trợ
Nhờ nguồn lực đầu tư lớn, đến hết năm 2023, tỷ lệ thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà văn hóa đạt 96,6%. Khu vực này cũng có 3 phòng khám đa khoa và 13 trạm y tế của 14 xã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân; 100% số xã có hệ thống giao thông, thủy lợi cơ bản được bê tông hóa hoặc trải nhựa; tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số còn 0,38%; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,41 triệu đồng/người/năm và 100% số xã dân tộc miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, trong năm 2024, các sở, ngành của Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều dự án hỗ trợ đối với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cụ thể, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ triển khai 13 đề án, tổng kinh phí thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 là 30 tỷ đồng phát triển nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Sở Du lịch Hà Nội xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và điểm du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại huyện Ba Vì. Sở Công Thương Hà Nội thúc đẩy tiêu thụ, xúc tiến thương mại, kết nối, quảng bá sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua hệ thống kênh phân phối chợ, siêu thị...; phát triển chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…
Cùng với nguồn lực của thành phố Hà Nội và các quận nội thành, các huyện vùng dân tộc thiểu số đã quan tâm đến bảo tồn bản sắc văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Mạnh Ngự thông tin, kinh tế của người dân tộc Mường ở An Phú tiếp tục phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo người Mường hiện chỉ còn 5 hộ.
Trong khi đó, ngay đầu năm 2024, huyện Ba Vì đã triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Ba Trại và Minh Quang - là 2 trong số 7 xã vùng dân tộc miền núi của huyện.
“Qua rà soát xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Minh Quang đã đạt 14/19 tiêu chí; 5/19 tiêu chí cơ bản đạt, xã tự chấm điểm đạt 95/100 điểm. Xã cần hoàn thiện hồ sơ minh chứng, dự kiến trình thành phố đánh giá, chấm điểm trong cuối quý I, đầu quý II-2024”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho biết.
Với nhiều sự quan tâm, khu vực dân tộc và miền núi của Thủ đô tiếp tục có những đổi thay hòa với những đổi thay chung của Thủ đô và đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.