(HNM) - Suy giảm kinh tế toàn cầu, sức mua từ thị trường nhập khẩu thấp cùng nhiều khó khăn trong nước tạo tác động “kép”, khiến sản xuất công nghiệp quý I-2023 giảm so với cùng kỳ năm trước. Thực tế này đặt ra yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải theo sát tình hình thị trường, kịp thời “gỡ khó” cho sản xuất, kinh doanh, tập trung nâng giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh về vấn đề này.
Tác động “kép“ kéo giảm sản xuất công nghiệp
- Xin ông đánh giá chung về tình hình sản xuất công nghiệp 3 tháng đầu năm 2023?
- Quý I-2023, giá trị tăng thêm ngành Công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28% trong mức tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tính chung quý I-2023, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%), trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4%. Một số ngành trọng điểm thuộc ngành Công nghiệp cấp II, như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 11,9%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 10,3%... Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực giảm so với cùng kỳ năm trước như: ô tô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm trước như: bia tăng 27,8%; xăng, dầu tăng 20,6%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,8%...
- Trong bức tranh chung, công nghiệp chế biến, chế tạo có sự sụt giảm đáng kể. Ông có thể nói rõ hơn về thực tế này?
- Quý I vừa qua, giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%. IIP của ngành này cũng giảm 2,4%. Bởi vậy, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế. Lĩnh vực này đang ở trong bối cảnh rất khó khăn do thiếu đơn hàng. Nhìn chung, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự báo, khiến tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp 3 tháng qua chưa đạt kết quả như kỳ vọng?
- Có thể thấy các yếu tố bên ngoài là nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm sản xuất công nghiệp. Thực tế các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử…
Giá nhiên liệu đầu vào cao, lạm phát gia tăng, chính sách tiền tệ quốc tế vẫn chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm do ảnh hưởng của xung đột đã tác động lớn đến thu nhập, dẫn đến xu thế thắt chặt chi tiêu mua sắm tại một số thị trường tiêu thụ lớn như Liên minh châu Âu, Mỹ, từ đó ảnh hưởng mạnh đến các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thấy những nguyên nhân nội tại. Đó là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành sản xuất liên quan. Thị trường vốn chưa được khơi thông dẫn đến sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng giảm đối với ô tô, điện tử… Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng
- Trong thời gian tới những khó khăn, trở ngại với hoạt động sản xuất công nghiệp là gì, thưa ông?
- Kinh tế thế giới đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường tiếp tục giảm. Các chính sách kinh tế của một số quốc gia lớn dự kiến sẽ có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Bên cạnh đó là các khó khăn trong nước như sức mua hồi phục chậm. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, đồng thời việc phục hồi của thị trường bất động sản nhanh hay chậm sẽ tác động trực tiếp đến ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
- Để tháo gỡ khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành Công nghiệp, từ nay tới cuối năm, Bộ Công Thương có những giải pháp nào, thưa ông?
- Bộ sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp trong nước, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường khu vực, thế giới, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thông quan, xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhóm hàng nguyên, phụ liệu cho sản xuất trong nước.
Các giải pháp được cụ thể hóa với từng ngành, như đối với ngành khoáng sản, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ sớm xem xét phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản. Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền sớm có ý kiến đối với Dự án mỏ sắt Thạch Khê và các loại khoáng sản, mỏ khoáng sản có giá trị lớn khác (như cromit, boxit, titan…) để đưa vào khai thác, sử dụng, tạo động lực tăng trưởng mới và tự chủ một phần nguyên liệu cho ngành luyện kim, vật liệu trong nước.
Bên cạnh đó, tận dụng các cơ hội từ nguồn vốn đầu tư công của các dự án lớn trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, năng lượng để tạo thị trường cho ngành thép, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải, cơ khí xây lắp và chế tạo… Trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp và một số địa phương, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ về tài chính với ngành sản xuất và lắp ráp ô tô (như tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hay ưu đãi về lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước)...
Đối với các ngành xuất khẩu chủ lực (dệt may, da giày, điện tử…) Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, hoạt động kết nối cung - cầu, tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt thông qua hệ thống các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để tìm kiếm cơ hội, đơn hàng mới.
- Còn với các địa phương, doanh nghiệp, ngành hàng theo ông cần làm gì để từng bước khôi phục sản xuất?
- Các địa phương cần khẩn trương có các chính sách, giải pháp hỗ trợ về tài chính với các doanh nghiệp công nghiệp để các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất, kinh doanh ổn định. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, tập trung nâng cao năng lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nhằm tìm kiếm các đơn hàng và khách hàng mới. Tích cực hơn trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội và cơ quan nhà nước để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu mới bên cạnh các thị trường truyền thống.
Các hiệp hội, ngành hàng cần tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm của nhau. Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, giảm chi phí và giá thành sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, qua đó cải thiện hiệu quả và thích ứng linh hoạt với tình hình mới. Theo dõi sát tình hình thế giới, đặc biệt là tình hình của các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam để kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn với Chính phủ và các cơ quan nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.