(HNM) - Theo Nghị quyết phân bổ ngân sách TƯ năm 2011 vừa được thông qua, Quốc hội chấp thuận chi cho 5 tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) 91 và đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách cho một số TĐ, ngân hàng thương mại để hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước đã giao.
Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là, liệu nguồn vốn ngân sách có được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả? Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ cho biết, năm tới khi kiểm toán, sẽ tập trung xem xét việc sử dụng nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN.
Hoạt động nghiệp vụ của kiểm toán nhà nước tại Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam. Ảnh: Hậu Phạm |
- Ông có thể cho biết, kế hoạch kiểm toán các DN nhà nước và KTNN sẽ có biện pháp gì nhằm tăng cường tính minh bạch khi kiểm toán tại các DN này?
- Liên quan việc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung và kiểm toán TĐ, TCT nhà nước nói riêng, hiện nay chúng tôi đã xem xét đánh giá lại, có những đề xuất sửa đổi, bổ sung trong việc hoàn thiện Luật KTNN. Trước đây, luật quy định, KTNN có thẩm quyền kiểm toán các TĐ, TCT, DN 100% vốn nhà nước hoặc công ty cổ phần mà các cổ đông đều là nhà nước và các công ty cổ phần có sở hữu nhà nước từ 51% trở lên. Từ tháng 7-2010, không còn tồn tại khái niệm DNNN, bởi các DN đều hoạt động chung theo Luật DN và các DNNN đã chuyển thành công ty TNHH nhà nước một thành viên. Do đó, tới đây đối tượng kiểm toán cũng cần có xem xét để điều chỉnh cho phù hợp.
Trước hết, cần kiểm toán các công ty TNHH nhà nước một thành viên, những công ty cổ phần mà các cổ đông đều là DN nhà nước. Nội dung sẽ tập trung kiểm toán vốn và tài sản nhà nước tại các DN, bất kể DN liên doanh hay công ty cổ phần, dù Nhà nước có tỷ lệ vốn là bao nhiêu. Tuy nhiên, KTNN sẽ không kiểm toán DN đó mà chỉ kiểm toán việc sử dụng nguồn vốn nhà nước tại DN, xem xét việc sử dụng vốn như thế nào và trách nhiệm đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN đó ra sao. Hiện nay, trên thế giới cách kiểm toán này được áp dụng khá phổ biến tại nhiều quốc gia.
Tại nghị quyết về chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 vừa được thông qua, có yêu cầu kiểm toán bắt buộc các công ty, TĐ nhà nước. Số liệu tài chính của các công ty, TĐ nhà nước phải công khai. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa KTNN và các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán, khôi phục hoạt động kiểm toán nội bộ trong DNNN có cổ phần chi phối hoặc các công ty TNHH thành viên. Đồng thời, trách nhiệm quản lý, quản trị DN sẽ được xem xét và quan tâm hơn.
- Để kiểm toán có hiệu quả phần vốn nhà nước tại DN, KTNN sẽ làm gì để đáp ứng được các yêu cầu trên?
Theo tôi, với các TĐ, TCT lớn trên địa bàn các tỉnh, TP trực thuộc TƯ, như Hà Nội, Hải Phòng, năng lực của kiểm toán địa phương, kiểm toán khu vực đã đáp ứng được yêu cầu. KTNN đang tăng cường lực lượng cho kiểm toán chuyên ngành. Trước mắt, KTNN sẽ cử 40 người tham gia khóa đào tạo trình độ kiểm toán của Anh quốc, 10 cán bộ đào tạo ở Canada, 5 cán bộ đào tạo để lấy chứng chỉ CPA của Australia. Bên cạnh đó, sẽ tập trung kiểm toán DN một cách hiệu quả và rút ngắn thời gian kiểm toán. Tiếp đó, KTNN sẽ thuê kiểm toán độc lập cùng tham gia lĩnh vực kiểm toán này để tăng cường tính minh bạch, khách quan.
- Vậy KTNN sẽ phối hợp thế nào với TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong việc kiểm toán phần vốn nhà nước, khi SCIC cũng là tổ chức đại diện phần vốn nhà nước tại DN?
- Việc kiểm toán phần vốn nhà nước tại DN đã được KTNN nghiên cứu từ lâu. KTNN đã thực hiện kiểm toán tại các bộ có chức năng quản lý lĩnh vực đầu tư của DNNN như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoặc phần cấp vốn ngân sách bổ sung cho DN thông qua tổ chức đại diện phần sở hữu nhà nước tại DN như SCIC. Hiện nay, SCIC nắm khoảng 5% vốn nhà nước, nhưng mới kiểm toán được một phần vốn rất nhỏ, do đó cần nghiên cứu các hình thức kiểm toán chuyên đề bổ sung khi kiểm toán vốn tại SCIC.
- Xin cảm ơn ông !
Tăng cường thanh tra, kiểm toán với Petro Việt Nam Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Quốc hội ủng hộ việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Petro Vietnam như đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, để quản lý sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan và Petro Vietnam báo cáo Quốc hội danh mục, tổng mức và hiệu quả đầu tư với từng dự án, công trình sử dụng nguồn vốn này trong những năm qua; đồng thời yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với Petro Vietnam nhằm bảo đảm sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và đúng pháp luật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.