(HNM) - Ngày 10-8, Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, mưa, lũ xảy ra trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ những ngày vừa qua đã làm 10 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương.
Mưa lũ cũng làm ngập 3.717 ngôi nhà, 18.382ha lúa, hoa màu và 703ha cây trồng lâu năm… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 993 tỷ đồng. Trong đó, tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) gần 2.000 người phải sơ tán do mưa lũ, 63km đường bị ngập...; tổng giá trị tài sản bị thiệt hại khoảng 107 tỷ đồng.
Để giảm thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khách du lịch; huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ, không để người dân bị đói, rét, dịch bệnh…
Thực hiện chỉ đạo trên, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang đã điều động 250 cán bộ, chiến sĩ; Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân điều động 380 cán bộ, chiến sĩ và 17 phương tiện, 65 phao bè hỗ trợ huyện đảo Phú Quốc sơ tán người dân đến nơi an toàn; vận chuyển 90 tấn hàng hóa; hướng dẫn bảo đảm an toàn cho 1.000 lượt người dân đi qua khu vực nguy hiểm. Tỉnh Đắk Lắk cũng huy động 65 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ nhân dân chống tràn hơn 200m đê, khắc phục hậu quả sau mưa lũ…
Còn tại tỉnh Thanh Hóa - địa phương chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 10-8, 441 cán bộ, chiến sĩ và 40 phương tiện các loại tiếp tục được huy động để tìm kiếm 6 người còn mất tích; hỗ trợ nhân dân các huyện: Quan Sơn, Mường Lát sửa chữa nhà ở, khôi phục các tuyến giao thông, vệ sinh môi trường…
Dự báo thời tiết trong ngày 11-8, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa.
* Liên quan đến tình hình ngập úng tại các địa phương, chiều 10-8, mực nước hồ thủy điện Đắk Kar (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã rút thấp hơn mặt đập khoảng 3m. Con đập thủy điện này tạm thời qua nguy hiểm. Theo quy trình vận hành, những hồ thủy điện đang hoàn thiện như Đắk Kar không được tích nước, phải mở cửa xả khi nước nguồn đổ về. Ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho rằng, Công ty Thủy điện Đắk Kar đã chủ quan, đến khi lượng nước dồn về hồ nhiều, đã không mở kịp 2 cửa xả.
Do mưa lũ khu vực Tây Nguyên đã giảm nên nước cũng đang dần rút tại các vùng ngập phía hạ du, nhất là tại hai huyện trũng của tỉnh Đồng Nai là Định Quán và Tân Phú.
* Còn tại huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), nước lũ đã rút ở nhiều điểm ngập. Sân bay Phú Quốc đã hoạt động trở lại. Chính quyền huyện Phú Quốc vẫn duy trì lực lượng cứu hộ hơn 1.000 người giúp nhân dân ổn định cuộc sống.
Chiều 10-8, UBND huyện Phú Quốc đã có báo cáo tình hình ngập lụt tại đây trong những ngày qua. Theo báo cáo, nguyên nhân gây ngập do tổng lượng mưa trên địa bàn trong 8 ngày (từ ngày 2 đến 9-8), lên tới hơn 1.000mm, bằng 1/3 lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc. Trong khi đó hệ thống thoát nước của thị trấn Dương Đông được đầu tư xây dựng từ năm 2003 đến nay đã không còn phù hợp trong tình hình Phú Quốc đang phát triển nhanh.
* Để vận chuyển hành khách bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu trong những ngày vừa qua, ngày 10-8, Vietnam Airlines tăng chuyến và tổ chức bay bù để kết nối giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Cụ thể, hãng tăng cường thêm 3 chuyến giữa Hà Nội - Phú Quốc, 7 chuyến giữa thành phố Hồ Chí Minh - Phú Quốc trong ngày 10-8, khai thác bằng máy bay Airbus A321. Đồng thời thực hiện 4 chuyến bay không hành khách từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Phú Quốc để kịp thời giải tỏa khách mắc kẹt tại đây. Như vậy, cùng với các chuyến bay thường lệ, Vietnam Airlines thực hiện tổng cộng 32 chuyến giữa Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh - Phú Quốc trong ngày 10-8.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.