(HNM) - Ma túy, mại dâm là những tệ nạn xã hội để lại hậu quả nặng nề, gây nhức nhối đối với đời sống cộng đồng. Do đó, các cơ quan chức năng cùng với chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội luôn chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, tập trung đẩy lùi những tệ nạn xã hội này.
Chủ động ngăn chặn, phòng ngừa
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, ngay từ những tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm; thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm tra các điểm, tụ điểm nghi ngờ có hoạt động ma túy...
Nhờ chủ động, các lực lượng chức năng đã điều tra, khám phá và phát hiện kịp thời nhiều vụ việc về ma túy. Đơn cử, vào đầu tháng 2-2023, qua tuần tra, Công an huyện Chương Mỹ bắt quả tang hành vi mua, bán trái phép chất ma túy với 2 đối tượng còn rất trẻ là M.V.T, sinh năm 2006, trú tại xã Mỹ Lương và L.V.C, sinh năm 2006, trú tại xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ). Cũng trong tháng 2-2023, các lực lượng chức năng quận Hà Đông kiểm tra quán bar Rex, số 345 đường Hữu Hưng (phường Dương Nội), phát hiện một số trường hợp có mặt ở cơ sở này dương tính với chất ma túy…
Cùng với công tác kiểm tra, việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cai nghiện ma túy cũng được các bên chú trọng triển khai. Riêng tháng 2-2023, các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận điều trị cai nghiện theo hình thức bắt buộc và tự nguyện cho gần 230 người; duy trì điều trị ổn định cho hàng nghìn người cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…
Về hoạt động mại dâm, các ngành, địa phương chủ động phòng ngừa bằng nhiều hình thức. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho hay, hệ thống chính sách, pháp luật cùng những thông tin, kiến thức về phòng, chống mại dâm liên tục được các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến tới người dân trong cộng đồng. Cùng với đó, các xã, thị trấn trên địa bàn chủ động triển khai mô hình phòng, chống mại dâm ở cơ sở…
Tạo “lá chắn” từ cơ sở
Mặc dù đã chủ động phòng ngừa từ xa, phát hiện từ sớm các vụ việc, tụ điểm phức tạp về ma túy, mại dâm, nhưng công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn Thủ đô vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi, các đối tượng thường dùng những thủ đoạn, chiêu thức ngày càng tinh vi để hoạt động. Trong khi đó, việc cấp phép hoạt động của một số loại hình kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội còn thiếu điều kiện bảo đảm về an ninh trật tự. Điều này lý giải vì sao, những cơ sở kinh doanh “trá hình” dưới dạng quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh…, nhưng có quy mô, tính chất hoạt động như vũ trường xuất hiện ngày một nhiều. Do các cơ sở không phải chấp hành các quy định bảo đảm về an ninh trật tự nên lực lượng chức năng thiếu căn cứ pháp lý để kiểm tra, xử lý…
Việc hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy, giúp người sau cai nghiện ma túy hòa nhập xã hội, tránh xa con đường từng lầm lỡ là giải pháp quan trọng, hữu ích để giảm tác hại do ma túy, giảm số vụ việc liên quan đến ma túy cũng chưa đạt kết quả như mong muốn. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội Phạm Đình Giang phản ánh, công tác vận động, đưa người nghiện ma túy đi điều trị cai nghiện theo hình thức bắt buộc hay tự nguyện gặp không ít khó khăn, một phần do cá nhân, gia đình người nghiện ma túy chưa chủ động phối hợp. Nguyên nhân khác là do các cơ quan chức năng ở cơ sở chưa dành sự quan tâm đúng mức đến công tác này. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có cũng chưa đáp ứng tốt việc tiếp nhận, điều trị cai nghiện…
Về mại dâm, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Phùng Quang Thức cho rằng, để đẩy lùi hoạt động này, trước hết cần có khung pháp lý đủ mạnh để xử lý. Tuy nhiên, các quy định xử phạt hành chính đối với người bán, người mua dâm hiện chưa đủ tính răn đe. Một số quy định về phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu những quy định quản lý hoạt động này trên không gian mạng…
Để gỡ vướng, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiếp tục kiến nghị, đề xuất bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung các quy định về phòng, chống ma túy, mại dâm cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Về phần mình, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, triệt xóa những điểm, tụ điểm có biểu hiện nghi ngờ hoạt động ma túy, mại dâm, cố gắng không để tái hoạt động trở lại những điểm đã triệt xóa, không để phát sinh những tụ điểm mới. Ngoài ra, các bên chú trọng nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy, nhân rộng mô hình phòng, chống ma túy, mại dâm từ cơ sở, góp phần tạo “lá chắn” bảo vệ cộng đồng trước tệ nạn xã hội có nguy cơ thâm nhập.
UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 18-1-2023 về phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 và Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 3-2-2023 về phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo các kế hoạch, thành phố đặt mục tiêu: 100% quận, huyện, thị xã và 100% xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phòng, chống mại dâm; triệt xóa 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không phát sinh điểm mới; tổ chức kiểm tra 2.951 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm...; 100% người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được phát hiện, ra thông báo được lập hồ sơ quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định; 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy được lập hồ sơ đưa vào quản lý người sau cai nghiện ma túy ở địa phương...
Quỳnh Anh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.