Đời sống

Đẩy lùi tệ nạn xã hội chưa bao giờ dễ dàng

Minh Vũ 02/07/2023 - 07:05

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam nhấn mạnh, việc đẩy lùi các tệ nạn xã hội chưa bao giờ là điều dễ dàng.

Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu được giao trong năm 2023, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường đấu tranh, triệt phá những vụ việc, các điểm, tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội; đồng thời nhân rộng mô hình phòng, chống tệ nạn xã hội ở cơ sở.

quan-ha-dong.jpg
Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội tập huấn công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy cho cán bộ của quận Hà Đông, tháng 6-2023.

- Trước tiên, ông có thể cho biết rõ hơn công tác phòng, chống tệ nạn xã hội hiện nay gặp khó như thế nào?

- Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, tích cực, Hà Nội là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội, rõ nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người.

Về ma túy, sự khó khăn trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, hỗ trợ điều trị cai nghiện thể hiện ở nhiều khía cạnh. Dễ nhận thấy là số vụ việc, tội phạm ma túy hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp. Tội phạm và tệ nạn ma túy đang tập trung vào giới trẻ, gây ra những tác hại khôn lường. Trong khi đó, công tác hỗ trợ điều trị cai nghiện, nhất là hỗ trợ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng rất khó triển khai.

Về hoạt động mại dâm, những năm gần đây, các điểm, tụ điểm mại dâm công cộng trên địa bàn thành phố cơ bản được triệt xóa. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các lực lượng chức năng ghi nhận còn hiện tượng nhỏ, lẻ đối tượng nghi hoạt động mại dâm đứng chờ khách ven đường ở một số địa điểm công cộng và nguy cơ tiềm ẩn phát sinh tệ nạn mại dâm hoạt động trá hình...

Về công tác phòng, chống mua bán người, hiện nay có biểu hiện phức tạp. Đối tượng mua bán người không chỉ dừng lại ở phụ nữ, trẻ em mà còn hướng đến cả thanh niên, nam giới... Chúng sử dụng thủ đoạn tinh vi, đa dạng đối tượng chuyển cách tiếp cận ban đầu với nạn nhân từ trực tiếp sang gián tiếp, gắn với việc giới thiệu tuyển việc làm bên kia biên giới “việc nhẹ, lương cao” để khống chế, bóc lột lao động, đòi tiền chuộc. Đến khi là nạn nhân bị ép tiền chuộc thì gia đình mới biết và trình báo khiến các lực lượng chức năng khó phát hiện, đấu tranh các vụ việc.

- Thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội vừa quan tâm phòng, chống, vừa tập trung đẩy lùi tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người. Vậy theo ông, nguyên nhân vì sao những tệ nạn này còn len lỏi trong đời sống cộng đồng?

- Với tệ nạn ma túy, việc thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện là giải pháp quan trọng nhằm giảm nhu cầu sử dụng, giảm tác hại do ma túy. Thế nhưng, nhiều địa phương hiện chưa bảo đảm được các điều kiện về cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng. Xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cũng chưa bao phủ đến tất cả các đối tượng thuộc diện quản lý, hỗ trợ…

Hoạt động phòng, chống mại dâm ở cơ sở còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, các địa phương tại một số địa bàn giáp ranh, dẫn đến tình trạng kiểm tra, xử lý ở khu vực này thì đối tượng lại di chuyển sang điểm lân cận để hoạt động. Hơn nữa, các quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ về mức chi cho công tác phòng, chống mại dâm nên các địa phương chưa có căn cứ để bố trí kinh phí hỗ trợ lực lượng tuần tra, duy trì chốt trực tại các điểm phức tạp. Việc xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm còn khá nhẹ nên chưa đủ sức răn đe…

Về tình trạng mua, bán người, đâu đó vẫn có những người thiếu cảnh giác, dễ tin vào những lời hứa hẹn, dẫn đến bị lừa bán. Khi được giải cứu, có những nạn nhân không có thông tin hoặc không hợp tác với các lực lượng chức năng để có thể thực hiện tốt các bước đưa họ trở về bên gia đình, cộng đồng…

- Để từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần mang đến cuộc sống an toàn, bình yên cho người dân, các cơ quan chức năng đã, đang làm gì, thưa ông?

- Giải pháp trọng tâm được các cơ quan chức năng triển khai là nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tình nguyện viên tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội. Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng đã phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác hỗ trợ xã hội trong điều trị nghiện ma túy; tuyên truyền nâng cao năng lực về phòng, chống mại dâm; phòng, chống mua bán người...

Song song với công tác tuyên truyền, các bên phối hợp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, khảo sát, đánh giá, qua đó xác định rõ các điểm, tụ điểm về ma túy, mại dâm và lên kế hoạch tấn công, triệt xóa; đồng thời khoanh vùng các điểm, tụ điểm có nguy cơ cao để có phương án giảm nguy cơ. Tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 5, toàn thành phố đấu tranh, triệt phá 60 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, bắt giữ 239 đối tượng; tiến hành kiểm tra liên ngành tại hơn 1.300 cơ sở dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, 58 cơ sở có hành vi vi phạm đã bị xử phạt.

Các đợt ra quân “quét” ma túy thường xuyên được triển khai, qua đó phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng. Việc điều trị cho người nghiện, người sử dụng ma túy được áp dụng song song nhiều hình thức như cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện, tại gia đình, cộng đồng, sử dụng thuốc điều trị thay thế Methadone…

Tính chung, những tháng đầu năm, toàn thành phố đã lập hồ sơ, xét, ra quyết định và đưa hơn 800 người vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, đạt 67,4% kế hoạch cả năm; vận động hơn 600 người vào cai nghiện ma túy tự nguyện, đạt hơn 50%, tiếp nhận quản lý, chăm sóc; duy trì điều trị bằng thuốc thay thế Methadone cho hàng nghìn người.

Đặc biệt, ngày 23-6-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND về thống kê, rà soát người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn năm 2023. Thông qua việc triển khai kế hoạch này, các bên sẽ đánh giá rõ thực trạng, nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp. Đối với công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, các ngành, địa phương chú trọng thực hiện tốt mô hình dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, can thiệp, giảm tác hại...

- Như ông đã biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là phòng, chống tệ nạn xã hội từ xa, từ sớm. Vậy nội dung này được hiện thực hóa bằng cách nào?

- Góp phần phòng ngừa tệ nạn xã hội thâm nhập vào đời sống cộng đồng, mỗi ngành, đơn vị, địa phương lại có cách thức triển khai khác nhau, linh hoạt và phù hợp với đặc điểm dân cư. Trong đó, các địa phương trên địa bàn thành phố xây dựng mô hình khu dân cư, tổ dân phố an ninh, an toàn, không có tệ nạn xã hội gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Giải pháp này nhằm huy động sức mạnh cộng đồng tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội, chủ động đấu tranh, tố giác tội phạm về ma túy, mại dâm, mua bán người... Hằng năm, việc không có tệ nạn xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, bình xét công nhận các danh hiệu văn hóa, phong trào thi đua.

Với giới trẻ, các sở, ban, ngành, đoàn thể chức năng phối hợp để thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội”, “Trường học không có ma túy”; “Thanh niên nói không với vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”...

Thực hiện chức năng phòng, chống tệ nạn xã hội, ngoài những giải pháp đã, đang triển khai, những tháng cuối năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục tham mưu, bám sát chỉ đạo của UBND thành phố để hoàn thiện, trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết “Quy định mức chi chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ quản lý sau cai nghiện ma túy; quy định chế độ hỗ trợ và mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện trên địa bàn Hà Nội”.

Ngoài ra, Sở tham mưu xây dựng, trình UBND thành phố phê duyệt, triển khai thực hiện đề án về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ sở cai nghiện ma túy công lập... Những quy định này được phê duyệt, triển khai sẽ giúp các cơ quan chức năng tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc điều trị cai nghiện ma túy...

Nhìn chung, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy vậy, các cơ quan, đơn vị chức năng từ thành phố tới cơ sở và mỗi người dân luôn nỗ lực với tinh thần cao nhất để xuất hiện ngày càng nhiều các khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, trường học an toàn, không có tệ nạn xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy lùi tệ nạn xã hội chưa bao giờ dễ dàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.