Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ internet

Việt Nga| 22/01/2022 07:54

(HNM) - Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có sự tăng trưởng người dùng internet cao trên thế giới, tuy nhiên chất lượng dịch vụ và tốc độ lại thuộc nhóm phải cải thiện. Đây cũng là vấn đề đặt ra khi đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số…

Kỹ sư của Tập đoàn Viettel kiểm tra hệ thống đường truyền internet. Ảnh: Hoàng Thu

Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động), tăng hơn 4% so với năm 2020; có 18,79 triệu thuê bao internet băng rộng cố định, tăng 14,59%... Tuy nhiên, trước xu thế phát triển dịch vụ băng rộng cố định, thì phát triển viễn thông trong nước đang đặt ra nhiều thách thức. Đó là tỷ lệ doanh thu trung bình (ARPU) của thuê bao băng rộng cố định trong 10 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 137.000 đồng (khoảng 6 USD), giảm 8% so với năm 2020 (là 149.000 đồng). Thêm nữa, trong số gần 18 triệu thuê bao cáp quang thì có tới 83% sử dụng các gói cước với tốc độ dưới 100Mbps dẫn tới tốc độ cáp quang của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực...

Theo phân tích của ông Hoàng Đức Dũng (Tổng công ty Mạng lưới Viettel thuộc Tập đoàn Viettel), dung lượng internet tăng trưởng nhanh, song doanh thu chỉ tăng 2%/năm và đây là thách thức cho nhà mạng. Trong khi đó, Việt Nam là thị trường có giá cước internet rẻ nhất thế giới, đứng thứ 12/211 quốc gia và vùng lãnh thổ về giá cước internet băng rộng cố định.

Về nguyên nhân khiến chỉ số ARPU băng rộng và tốc độ dịch vụ internet tại Việt Nam thấp đã được chính các nhà cung cấp Viettel, VNPT/VinaPhone, MobiFone… chỉ ra, là do các doanh nghiệp tập trung cạnh tranh về giá bằng chạy đua khuyến mại phát triển thuê bao mới, dẫn đến tăng tỷ lệ thuê bao chuyển từ mạng này sang mạng khác; đồng thời gây lãng phí nguồn lực của chính nhà mạng và xã hội.

Về giải pháp, đại diện các nhà mạng VNPT/VinaPhone, MobiFone đều cho rằng, do sức ép về doanh thu và phát triển nên các nhà mạng buộc phải chạy đua để có chính sách chăm sóc khách hàng tốt nhất, khiến nhà mạng không đủ nguồn lực để tái đầu tư. Do vậy, rất cần vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong chính sách để thị trường phát triển lành mạnh. Đại diện Viettel kiến nghị, cơ quan quản lý có chính sách đưa các nội dung của người dùng Việt Nam từ các nhà cung cấp nội dung lớn (Google, Facebook) đặt tại Việt Nam. Việc đặt máy chủ trong nước giúp các nhà mạng tối ưu chi phí và tăng doanh thu từ việc bán lại kênh truyền quốc tế.

Về giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ internet, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cấp băng thông, nâng cao năng lực thiết bị moderm, mở rộng băng thông trong nước, quốc tế. Đối với băng rộng di động, cần bổ sung thêm băng tần cho mạng 4G; bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cần áp dụng thêm công nghệ mới, mở rộng quy mô thử nghiệm và đẩy nhanh việc thương mại hóa 5G.

Trong năm 2022, Cục Viễn thông sẽ đề xuất, tham mưu với lãnh đạo Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để khắc phục các điểm yếu. Trong đó, tập trung quản lý các chương trình khuyến mại phát triển thuê bao mới của doanh nghiệp không để cạnh tranh quá mức về giá. Đồng thời, Bộ khuyến khích nhà mạng tăng cường việc chia sẻ dùng chung hạ tầng; ưu tiên bổ sung số lượng trạm 4G tại những địa bàn trọng yếu; đồng thời đẩy mạnh việc đo kiểm, đánh giá định kỳ bằng trải nghiệm người dùng, tạo sự cạnh tranh giữa các nhà mạng viễn thông, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung cải thiện chất lượng dịch vụ internet

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.