(HNM) - Sáng sớm hay chiều muộn, người dân ở xung quanh các hồ Xã Đàn, Hai Bà Trưng, Thanh Nhàn và Ngọc Khánh lại tìm đến những chiếc máy tập thể dục kiêm chức năng bảo vệ môi trường.
Một công đôi việc
Đều đặn một ngày hai lần, vào sáng sớm và chiều muộn, ông Lương Bình Thuận ở phố Nguyễn Lương Bằng (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) lại dành khoảng một giờ đồng hồ chạy bộ và sử dụng máy tập thể dục tích hợp lọc nước hồ đặt ở góc hồ Xã Đàn. Ông Thuận cho biết: "Chiếc máy rất tiện ích, vừa nâng cao sức khỏe, vừa lọc được nước hồ. Tôi tuổi đã cao nên phải điều độ hơn lớp trẻ vì mới đầu đạp khá nặng, phải sử dụng nhiều lần mới quen". Hai bộ với 4 bàn đạp tập thể dục kết hợp lọc nước được lắp đặt ở vị trí khá thuận lợi, nằm ngay khu công viên ven bờ hồ Xã Đàn nên thu hút nhiều người dân tham gia. Theo ông Thuận, "chiếc máy lắp đặt vào khoảng đầu tháng 10 nên người dân ở đây đang làm quen. Theo tôi hiểu thì khi thiết bị vận hành, nước hồ được bơm lên bể lọc. Bể lọc có các cấp lọc thô, kết hợp loại cây có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm. Nước sau khi qua bể lọc sẽ được đưa trở lại hồ". Kể từ khi hệ thống máy tập thể dục được lắp đặt, anh Nguyễn Phương Vinh ở phố Khâm Thiên (quận Đống Đa) cũng thường xuyên đến hồ Xã Đàn để tập thể dục. Anh Vinh nói: "Tôi thấy hệ thống lọc nước rất hữu ích và gọn nhẹ, được bố trí hợp lý, phù hợp với diện tích mặt hồ, bờ hồ mà cách sử dụng lại dễ dàng, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia làm sạch nước bằng sức của mình". Nhóm bạn của anh Vinh có 4 người, sáng nào cũng chạy bộ nhiều vòng quanh hồ Xã Đàn, sau đó thay nhau đạp máy lọc nước.
Người dân hào hứng tập thể dục kết hợp lọc nước ở hồ Xã Đàn. |
Ở hồ Hai Bà Trưng (quận Hai Bà Trưng) cũng được lắp đặt 2 bộ với 4 bàn đạp tập thể dục. Người dân sinh sống xung quanh hồ tỏ ra rất hào hứng sử dụng thiết bị vì không chỉ nâng cao sức khỏe mà mỗi người còn được đóng góp công sức vào việc làm sạch nước hồ, nâng cao chất lượng môi trường sống cho khu dân cư. Vì thế từ tờ mờ sáng hệ thống máy đạp thể dục ở góc hồ đã được vận hành, nhiều lúc mọi người phải xếp hàng để chờ đến lượt. Đã thành một thói quen, khoảng 6h, bà Trần Thị Hường (68 tuổi) ở phố Đồng Nhân lại chọn cho mình một chiếc máy lọc nước và dành vào đó khoảng 20 phút. Chân đạp, tay đẩy đều theo nhịp bước chân, bà Hường nói: "Ban đầu tôi chỉ đạp được vài vòng, sau quen dần đạp được vài chục vòng. Tập điều độ thấy chân tay đỡ đau nhức và đêm ngủ ngon giấc". Bà nhẩm tính, "cứ mỗi ngày đạp từ 15 đến 20 phút, tôi đã lọc được trên dưới 1m3 nước trong lòng hồ". Ông Hạnh ở phố Lò Đúc, nhà cách hồ hàng trăm mét nhưng từ ngày hồ Hai Bà Trưng có máy tập thể dục, ông không bỏ buổi tập nào. Ông Hạnh cho biết: Nếu không đi thấy bứt rứt, dù tuổi cao nhưng hằng ngày rèn luyện nên tôi đã đạp được từ 15 đến 20 phút. Đạp khỏe người mà cũng rất vui, có những hôm phải xếp hàng, chờ một lúc mới đến lượt sử dụng máy. Cũng nhờ thế mà những người tập thể dục quanh đây đều quen nhau. Mọi người vẫn bảo nhau, một công đôi việc, đạp xe, người khỏe mà hồ lại sạch.
Mô hình cần nhân rộng
Công nghệ máy tập thể dục lọc nước là thiết bị đã đoạt giải Eidea do Hội đồng Anh tổ chức năm 2011 dành cho nhóm bạn trẻ tại Viện Nước, tưới tiêu và môi trường (IWE). Theo kết quả nghiên cứu của IWE, nhu cầu tập thể dục của người dân ở các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... rất lớn, trong khi đó tại các hồ nước tồn tại nhiều loại chất gây ô nhiễm như COD, BOD, NH4+, NO3... Từ thực tế này, một nhóm nghiên cứu tại IWE đã nảy ra ý tưởng biến năng lượng tập thể dục thành năng lượng làm sạch nước hồ thông qua máy tập thể dục tích hợp với máy bơm qua hệ thống lọc nước.
Hệ thống thiết bị lắp đặt tại 4 hồ ở Hà Nội, gồm Ngọc Khánh, Thanh Nhàn, Xã Đàn và Hai Bà Trưng gồm có 2 phần, phần tập thể dục và bể lọc. Máy tập thể dục gồm các dụng cụ tập động tác tay và chân với các chuyển động tròn - đạp xe, chuyển động lên xuống, kéo đẩy. Các máy này được tích hợp với bơm cơ học. Khi người sử dụng máy, năng lượng chuyển động của họ sẽ qua hệ thống truyền chuyển động khiến cho bơm hoạt động. Công suất của bơm theo mức độ sức người tập dao động từ 2 đến 8m3/giờ. Phần bể lọc gồm các cấp lọc thô thông thường, đặc biệt có sử dụng cây thủy trúc có khả năng hấp thu chất ô nhiễm trong nước, kim loại nặng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội Nguyễn Khả Minh cho biết: Mô hình này được thực hiện thí điểm từ năm 2011, ban đầu do Chi cục Bảo vệ môi trường, Viện Nước, tưới tiêu và môi trường, UBND và Hội Cựu chiến binh hai phường Ngọc Khánh và Thanh Nhàn phối hợp thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội, lắp đặt 2 bộ thiết bị gồm 4 máy tại hồ Ngọc Khánh và một bộ thiết bị gồm 2 máy tại hồ Thanh Nhàn. Qua quá trình sử dụng, dự án đã giải quyết được các nhu cầu về thể thao, nhu cầu về một môi trường sạch đẹp xung quanh khu vực luyện tập. "Cả hai nhu cầu này đều hướng đến việc duy trì sức khỏe lâu dài cho chính bản thân người tham gia luyện tập cũng như toàn cộng đồng. Qua đó nhận thức, trách nhiệm của người dân với việc bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao" - ông Minh cho biết thêm. Qua khảo sát thực tế của Quỹ Bảo vệ môi trường tại các máy đã lắp đặt, một ngày có khoảng 50 lượt người sử dụng một máy trong thời gian 10 phút/người, lọc được bình quân từ 14 đến 24m3 nước/máy/ngày.
Hiện nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội là đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với các quận, phường để tiếp tục thực hiện thí điểm và từng bước mở rộng mô hình trên địa bàn thành phố. Trong năm 2015, Quỹ đã lắp đặt các thiết bị ở hồ Xã Đàn và Hai Bà Trưng, trong năm 2016, Quỹ tiếp tục phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát để lắp đặt thiết bị ở 4 hồ khác, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. "Những hồ được lắp đặt trên địa bàn thành phố từ nguồn ngân sách là "mồi nhử" để tới đây các hồ đủ tiêu chuẩn sẽ được các cấp, các ngành và địa phương xã hội hóa, tiến tới có thể phủ kín thiết bị, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân và bảo vệ môi trường" - ông Nguyễn Khả Minh cho biết. Cũng theo thông tin của Quỹ Bảo vệ môi trường, hiện nay trên địa bàn thành phố có 138 hồ chứa nước với dung tích hơn 222 triệu mét khối nước. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng, 71% số ao hồ này có chỉ số đánh giá ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Để cải thiện tình trạng này, những năm gần đây, một số hồ lớn và các hồ trong khu trung tâm đô thị đã, đang được cải tạo thông qua dự án cải tạo môi trường.
Một vấn đề khác là việc quản lý, vận hành các thiết bị để bảo đảm sử dụng lâu dài, mang lại ý nghĩa xã hội thiết thực. Theo ông Phạm Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, do thiết bị lắp đặt ngoài trời nên việc duy trì, bảo vệ phải được thực hiện thường xuyên, trong đó trách nhiệm của chính quyền địa phương và người dân ở nơi lắp đặt thiết bị là quan trọng nhất. Hiện nay do chương trình có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị như Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận và phường, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ các phường sở tại nên việc duy trì và quản lý thiết bị cần sự thống nhất để bảo đảm sử dụng hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.