(HNM) - Vào những tháng cuối năm 2015, khi thị trường dầu khí đang trong tình trạng khó khăn do giá dầu thế giới suy giảm, người lao động tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã liên tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bằng những định hướng chiến lược mới. Đó được coi là vận hội mới để PVN phát triển bền vững.
Khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Trần Thanh |
Tuần cuối tháng 7-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TƯ về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, với trọng tâm là tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi, cần phải được quan tâm chú trọng, cần phải tăng cường đầu tư phát triển không chỉ ở trong nước mà vươn ra nước ngoài. Nghị quyết này đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển bền vững của Tập đoàn, tạo động lực lớn đối với niềm tin, sự khát vọng của mỗi người lao động dầu khí.
Đến trung tuần tháng 10-2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí về việc thực hiện hoạt động liên quan đến điều tra cơ bản; đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ, khai thác dầu khí (kể cả xử lý, thu gom, tàng trữ, vận chuyển dầu khí trong khu vực khai thác cho tới điểm giao nhận và các hoạt động dịch vụ dầu khí); thu dọn các công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ.
Với 8 chương và 86 điều, Nghị định 95/2015/NĐ-CP đã tạo ra một khung khổ pháp lý hoàn chỉnh, quy định chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Công thương và PVN trong các nội dung về đấu thầu dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; hợp đồng dầu khí; thực hiện hoạt động dầu khí; trữ lượng và phát triển mỏ; thu dọn công trình cố định, thiết bị và phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí cũng như các quy định quản lý nhà nước về hoạt động dầu khí… Nghị định số 95/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12-2015.
Để thực hiện có hiệu quả những vấn đề trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, lãnh đạo Tập đoàn đã xây dựng chương trình, hành động cụ thể và có kế hoạch thực hiện. Từ đầu năm 2016, Đảng ủy Tập đoàn và các tổ chức Đảng, đoàn thể trực thuộc sẽ tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết 41 kết hợp với quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tới cán bộ, đảng viên và người lao động gắn với triển khai kế hoạch, chương trình hành động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên. Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ hình thành bộ phận nghiên cứu, tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế phát triển ngành Dầu khí và Tập đoàn, đồng thời có kế hoạch cụ thể sơ kết, tổng kết, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 41 trong toàn đơn vị.
Hội đồng thành viên Tập đoàn là đầu mối tham mưu với Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ Công thương; đề xuất các giải pháp chiến lược, quy hoạch phát triển Tập đoàn theo Nghị quyết 41; Nghị quyết các mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược kế hoạch hằng năm và 5 năm để triển khai trong toàn Tập đoàn. Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết 41 và đề xuất xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bảo đảm bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu. Phát hiện đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phục vụ phát triển bền vững PVN, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế… trước mắt là hoàn thành thắng lợi kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 - năm cuối cùng kế hoạch 5 năm 2011-2015, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch năm 2016-2020, nhằm giữ vững vị thế là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Cuối tháng 10-2015, tại TP Hồ Chí Minh, PVN đã thực hiện nghi thức đón dòng dầu khí đầu tiên từ Giàn dầu giếng H - mỏ Tê Giác Trắng (TGT), Lô 16-1 ngoài khơi Việt Nam do Công ty Liên doanh Hoàng Long (HLJOC) điều hành. Dự án này đã được hoàn thành với trên 2,4 triệu giờ làm việc không xảy ra bất kỳ sự cố tai nạn nào, hoàn thành trước 18 ngày so với chương trình tăng tốc của Ủy ban Quản lý dầu khí Lô 16-1 và của PVN, về đích trước 80 ngày so với kế hoạch phát triển mỏ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là dự án thứ 3 mà Công ty HLJOC hoàn thành trước tiến độ. Công trình cũng đã được Công ty Đăng kiểm quốc tế Germanischer Lloyd và Đăng kiểm Việt Nam (VIRES) cấp chứng chỉ; tiết kiệm chi phí được khoảng 37 triệu USD so với ngân sách đã được phê duyệt. Giàn dầu giếng TGT-H5-WHP được đưa vào khai thác trước tiến độ giúp gia tăng sản lượng thêm 10.000-12.000 thùng dầu/ngày, nâng sản lượng khai thác của mỏ Tê Giác Trắng lên mức 40.000-42.000 thùng/ngày. Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long; Huân chương Lao động hạng Ba cho một tập thể và 3 cá nhân cùng nhiều phần thưởng cao quý khác vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án Dầu khí H5 mỏ Tê Giác Trắng, Lô 16-1, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và an ninh biển đảo quốc gia. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.