(HNM) - Những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông nói chung và hệ thống đường vành đai nói riêng của thành phố Hà Nội ngày càng được hoàn thiện, qua đó góp phần giảm ùn tắc, giải quyết những bức xúc dân sinh và tăng kết nối giao thông với các tỉnh lân cận.
Với những nỗ lực của các cơ quan trung ương và thành phố trong việc tập trung nguồn vốn, giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng…, chỉ tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều công trình lớn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đó là đường Vành đai 3 (đoạn trên cao và dưới thấp từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long); cầu cạn đi qua hồ Linh Đàm, cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt... Trong khi đó, tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2 và Vành đai 2,5 trong khu vực nội đô cũng đã hoàn thành nhiều đoạn, tuyến quan trọng...
Thấy rõ ý nghĩa góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ nay đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục xác định lộ trình khép kín các tuyến vành đai. Trong đó, thành phố sẽ dành nguồn lực cho những công trình quan trọng như: Xây dựng đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở; hoàn thiện 4 đoạn tuyến còn lại để khép kín tuyến Vành đai 2,5… Bên cạnh đó, thành phố còn chủ động phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương liên quan triển khai dự án đường Vành đai 4 và 5, các tuyến cao tốc để tăng tính kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Rõ ràng, để phát triển xứng tầm một đô thị hiện đại, văn minh, mở ra khung giao thông liên hoàn, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển thì kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô phải luôn đi trước một bước. Trong giai đoạn 5 năm 2020-2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định, tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông là một nội dung của khâu đột phá thứ nhất. Tuy nhiên, để có một kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, đòi hỏi những nguồn lực rất lớn. Trên cơ sở lộ trình hoàn thiện hệ thống giao thông đã được xác định, các sở, ngành, cơ quan chức năng thành phố cần tiếp tục tham mưu với thành phố tập trung nguồn lực cho phát triển giao thông; sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên nhằm đáp ứng những yêu cầu đang đặt ra và phù hợp với quy hoạch, trong đó đẩy mạnh đấu giá tạo nguồn vốn đầu tư là một giải pháp quan trọng.
Đồng thời, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội cần phát huy, tận dụng tối đa nội lực, chủ động xây dựng phương án huy động các nguồn vốn đầu tư cho giao thông tại địa phương theo phân cấp, từ đó hợp cùng nguồn lực của thành phố hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn địa bàn. Và một điều có ý nghĩa như bước đệm là các cơ quan chức năng phải tiếp tục hoàn thiện quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để cho thuận lợi cho giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; có cơ chế nhằm thu hút đa dạng các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giao thông - vận tải... Có thêm những công trình giao thông được đầu tư, hoàn thiện, chắc chắn sẽ góp phần khơi gợi và phát huy tối đa tiềm năng về đất đai, con người…, từ đó tạo nên nguồn lực để tái đầu tư các công trình giao thông khác.
Với một hệ thống đường vành đai của Thủ đô được đầu tư xây dựng khép kín sẽ tạo thế phát triển liên hoàn, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, từ đó tạo điều kiện cho Hà Nội cùng với Vùng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.