Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức lan tỏa dùng hàng Việt

Thanh Hiền| 02/08/2017 07:12

(HNM) - Hội chợ hàng hóa “Vì người tiêu dùng”, “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng”, tổ chức các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm thực phẩm an toàn; hỗ trợ các làng nghề xây dựng nhãn hiệu; bình ổn thị trường... là những hoạt động được Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội triển khai thời gian qua. Trong những tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với ngân hàng; liên kết giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố lân cận để ngày càng tạo sức lan tỏa dùng hàng Việt.

Sản phẩm mây tre đan của xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) được giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: Thái Hiền


Hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác tuyên truyền cuộc vận động. Trong tháng 3-2017, Sở Công Thương và các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ đã tổ chức ngày hội sản phẩm, hàng hóa “Vì người tiêu dùng” và “Tuần lễ tri ân người tiêu dùng” với quy mô 60 gian hàng và 50 điểm bán hàng Việt. Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội đã tổ chức 45 gian hàng giới thiệu các sản phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đến người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tổ chức nhiều chương trình bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiêu biểu phải kể đến quận Nam Từ Liêm với việc thành lập 13 trạm xét nghiệm an toàn thực phẩm nhanh. Huyện Sóc Sơn tổ chức 1 cửa hàng cung ứng, giới thiệu sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng với hơn 50 mặt hàng tại trung tâm huyện. Huyện Thanh Oai lập danh sách tuyên truyền các làng nghề và các sản phẩm truyền thống như hàng kim khí xã Thanh Thùy; lồng chim, quạt giấy, tượng gỗ xã Dân Hòa. Huyện Đông Anh hoàn thành xây dựng 2 nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Đông Anh” và “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”... Ngoài ra, để đẩy mạnh các hoạt động giao thương giữa Hà Nội và các vùng kinh tế, Ban Chỉ đạo đã phối hợp tổ chức tuần hàng Sơn La tại Hà Nội; các hội nghị hợp tác, phát triển lĩnh vực công thương; kế hoạch liên kết vùng...

Cùng với triển khai cuộc vận động, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại cũng được các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 4.685 vụ, xử lý 4.387 vụ.

Nhận xét về kết quả triển khai cuộc vận động những tháng đầu năm nay, bà Lê Thị Kim Oanh cho rằng, người tiêu dùng đã có ý thức ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nội địa khi mua sắm. Tỷ lệ sử dụng hàng Việt tăng hơn so với năm trước, tạo điều kiện để sản xuất trong nước phát triển. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tích cực hưởng ứng cuộc vận động, chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị, sở, ngành chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai cuộc vận động. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng vẫn lưu hành trên thị trường làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi

Theo bà Lê Thị Kim Oanh, với mục tiêu 100% người dân và doanh nghiệp biết đến cuộc vận động, từ nay đến cuối năm cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam an toàn, nhất là an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo thành phố, các quận, huyện, thị xã cần tập trung quyết liệt hơn nữa trong việc tôn vinh, giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao và được người tiêu dùng ưa thích. Sở Công Thương chủ trì tổ chức hội chợ hàng Việt, hội nghị giao thương và giải pháp đẩy mạnh cung - cầu giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành phố, các vùng kinh tế trọng điểm; triển khai chương trình bán hàng Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp và hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài...

Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu các sở, ngành, đơn vị thành viên gắn hoạt động của cuộc vận động với các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính. Hoạt động này góp phần vào việc tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, từ đó tạo sức lan tỏa hàng Việt tới người tiêu dùng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia chương trình, việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ làng nghề Hà Nội cũng sẽ được thực hiện nhằm tạo ra sức lan tỏa của cuộc vận động. Đặc biệt, từ ngày 21 đến 25-9, Hội chợ hàng Việt, hội nghị liên kết giao thương, kết nối cung cầu giữa TP Hà Nội và một số tỉnh, thành phố năm 2017 sẽ được tổ chức, nhằm đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn. Việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức lan tỏa dùng hàng Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.