Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo sức bật phát triển nông nghiệp

Nguyễn Mai| 18/03/2022 06:26

(HNM) - Khoa học công nghệ là chìa khóa mở cánh cửa phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, qua đó góp phần gia tăng thu nhập cho người nông dân. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân ở Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao... Tuy nhiên, để tạo sức bật trong lĩnh vực này, qua đó nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần có một hệ thống giải pháp toàn diện.

Ứng dụng mô hình công nghệ “sông trong ao” để nuôi thủy sản tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì). Ảnh: Minh Phú

Hiệu quả nhưng chưa xứng với tiềm năng

Là đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã gặt hái nhiều thành công trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết: Từ năm 2016, Hợp tác xã đã đầu tư trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau khi thời tiết biến động... Cùng với đó là cụm công nghệ eGap giúp thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Năm 2021, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đã kết nối tiêu thụ rau trên 2 sàn thương mại điện tử Kinhpeec/vn và Cadosa.vn. Việc ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất, tiêu thụ giúp nâng cao chất lượng, giá trị các mặt hàng và đưa sản phẩm của hợp tác xã đến với các nhà phân phối có uy tín, mở ra hướng phát triển. 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; trong đó, công nghệ cao, thông minh được sử dụng chủ yếu trong việc quản lý, điều phối các công đoạn sản xuất….

Với lĩnh vực trồng trọt có thể kể tới những ứng dụng trồng hoa lan, trồng nấm trong phòng lạnh... Trong chăn nuôi là xây dựng chuồng kín, có hệ thống làm mát giúp ổn định nhiệt độ, độ ẩm chuồng nuôi; xây dựng dây chuyền cho gia súc, gia cầm ăn, uống tự động; sử dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo... Trong thủy sản là ứng dụng công nghệ "sông trong ao", sử dụng chế phẩm sinh học, máy tạo ô xy tự động...

Dù đã có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nhìn nhận tổng thể, việc tiếp cận, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể, việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông minh theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu chọn tạo giống, tổ chức sản xuất, nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm còn chưa nhiều. Nguyên nhân chính là các hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại... trên địa bàn thành phố còn khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ... Trong khi đó, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, thiếu hấp dẫn.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở Hà Nội đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết về phát triển một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị, vừa tiệm cận công nghệ phù hợp với điều kiện đất đai, thị trường và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới của Thủ đô.

PGS.TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam cho rằng: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, phát triển nông nghiệp thông minh là tất yếu. Do đó, Nhà nước cần có chương trình khuyến khích chuyển đổi số trong nông nghiệp qua việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ; tập huấn kỹ năng, trang thiết bị công nghệ phục vụ chuyển đổi số; quản trị sản phẩm, quản trị doanh nghiệp cho nông dân, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để khoa học công nghệ đến với nông dân, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND về phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025 với những hỗ trợ cụ thể khi các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư cơ giới hóa sản xuất. Thực hiện kế hoạch, Sở đã tổ chức hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" nhằm tìm giải pháp hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương lồng ghép chương trình đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân qua nhiều hình thức. Đồng thời, thông qua các chương trình tái cơ cấu nông nghiệp xây dựng vùng chuyển đổi để tạo nguồn vốn, đưa máy móc giúp nông dân tiếp cận công nghệ sản xuất tự động…

Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí cho rằng, người nông dân, hợp tác xã, trang trại... cần phát huy tinh thần tự chủ trong ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy chế biến sâu, sản xuất hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số để tạo giá trị gia tăng và minh bạch sản phẩm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo sức bật phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.