(HNM) - Những năm gần đây, việc phát triển bảo tàng ở nước ta được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, phần lớn các bảo tàng vẫn trong cảnh vắng khách tham quan, hoạt động cầm chừng, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Trong suy nghĩ của nhiều người, bảo tàng chỉ là nơi trưng bày, lưu giữ hiện vật. Thực tế này khiến không ít người liên tưởng, bảo tàng là một cuốn sách giáo khoa, mang tính tuyên truyền khô cứng... Đặc biệt, nhiều bảo tàng được đầu tư xây mới với số tiền khổng lồ, nhưng nội dung vẫn không theo kịp được cuộc sống, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong khi đó, với sự trợ giúp của công nghệ, khi cần tìm hiểu một sự kiện, một sự vật..., người ta có thể tra cứu được kết quả nhanh chóng trên internet mà không nhất thiết phải đến bảo tàng mới tìm được câu trả lời...
Vốn là một thiết chế văn hóa và khoa học đặc thù, hiện vật trong bảo tàng sẽ tồn tại theo đúng nghĩa đen nếu người làm bảo tàng không thổi hồn vào chúng, không mang hiện vật đó gắn kết với đời sống xã hội. Thực tế, hiện vật trong các bảo tàng là tài nguyên vô giá bởi chúng có đời sống riêng, mang sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại, tương lai và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Do đó, nếu phát huy được sức mạnh, hệ thống bảo tàng không chỉ phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa..., mà còn quảng bá lịch sử, văn hóa đất nước với thế giới qua việc thu hút khách du lịch nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu và đòi hỏi thực tế là vậy, nhưng tiếc rằng, vẫn có nhiều bảo tàng “ngủ quên”, nên rất ít khách tham quan, dù mở cửa miễn phí... bởi vẫn giữ nếp trưng bày cũ, đơn điệu, thiếu sự tương tác với người xem... Những bảo tàng có sự nỗ lực vận động, thay đổi để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, để trở thành điểm đến không thể bỏ qua như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam... chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tránh sự lãng phí cho xã hội và để có sức sống mới, mỗi bảo tàng phải tự vận động để tạo sức bật mới từ chính nội lực của mình. Điều này đòi hỏi sự tìm tòi, nỗ lực của mỗi đơn vị...
Đổi mới hoạt động bảo tàng là việc làm tất yếu. Theo đó, những định hướng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ tại Công văn số 2887/BVHTTDL-DSVH ngày 31-7-2019, với những điểm trọng tâm như: Đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa; đa dạng hóa các hoạt động, đưa bảo tàng trở thành điểm đến hấp dẫn với công chúng; mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch...
Hướng đi đã được chỉ rõ, song vận dụng bằng cách nào lại đòi hỏi sự sáng tạo, bứt phá của mỗi bảo tàng. Muốn vậy, tư duy người làm công tác quản lý cũng phải thay đổi; mỗi đơn vị phải chuẩn bị được nguồn nhân sự chuyên nghiệp, chất lượng để biết cách khai thác, làm sống dậy các hiện vật không lời.
Cùng với đó, các bảo tàng phải có sự đầu tư thỏa đáng cho hoạt động sáng tạo chuyên môn. Ngoài việc chú trọng phục dựng các hiện vật, ứng dụng công nghệ hiện đại để tăng tính tương tác với người xem, các bảo tàng cần điều tra, tìm hiểu, đánh giá nhu cầu công chúng. Từ đó, xác định đối tượng phục vụ để có phương thức hoạt động phù hợp nhằm gắn kết và đáp ứng nhu cầu của đối tượng đó. Ví dụ: Tạo chương trình liên kết với trường học; xây dựng sự kiện để “hút” khách du lịch nước ngoài...
Đổi mới đồng bộ, ắt hẳn bảo tàng sẽ tạo được sức bật từ nội lực. Khi đó, tình trạng lãng phí tài nguyên như hiện nay sẽ được hạn chế và bảo tàng sẽ có sức sống bền vững hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.