(HNM) - TP Hồ Chí Minh đang siết chặt quản lý nguồn lực đất đai nhằm tránh lãng phí, gây thất thu ngân sách nhà nước. Việc này về lâu dài sẽ tạo sự minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực đầu tư liên quan đến đất đai, qua đó giúp khởi động lại các khu “đất vàng”.
Nhiều khu đất bị đình trệ
Khu đất tại số 8-12, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, trước đây đã giao, cho thuê không đúng đối tượng và không thông qua đấu giá khiến thành phố thất thu ngân sách. Còn tại khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão (quận 1) đã được thành phố đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 500 triệu USD, nhưng hơn 10 năm nay dự án không thể triển khai khiến thành phố phải thu hồi.
Dự án SJC Tower tại quận 1 bị “treo” do chủ đầu tư chậm triển khai. |
Ngoài các khu đất trên, hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 20 khu “đất vàng” khác, tập trung tại quận 1. Trong đó, chỉ một số khu đất đã được triển khai dự án, số rất ít đã đưa vào khai thác, còn lại vẫn “bất động” do chưa tìm được nhà đầu tư, hoặc đã có chủ đầu tư nhưng năng lực yếu chưa thể triển khai.
Mới đây, thành phố đã chỉ đạo phải “cắt ngọn” Dự án SJC Tower nằm trên “tứ giác vàng” Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực (quận 1) từ 54 tầng xuống còn 46 tầng và xóa chức năng xây dựng căn hộ thương mại để bán.
Dù đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2005 nhưng đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư và cho phép triển khai hợp tác phát triển, chủ đầu tư Dự án SJC Tower lúc bấy giờ là Công ty Vàng bạc đá quý TP Hồ Chí Minh đã liên danh với đối tác nước ngoài nhưng không thành công khiến dự án bị đình trệ do năng lực tài chính không bảo đảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều dự án được triển khai trên các khu “đất vàng” khác bị “đắp chiếu”.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), năm 2018, ngoài sự sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch, còn có sự sụt giảm về mức nộp tiền sử dụng đất vào nguồn thu ngân sách thành phố. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, HoREA đã nhận thấy có những dấu hiệu đáng quan ngại đối với thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh năm 2019. Đã đến lúc TP Hồ Chí Minh quản lý chặt chẽ hơn nguồn lực đất đai nhằm tránh lãng phí, sử dụng không hiệu quả, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Giao đất phải thông qua đấu giá
TP Hồ Chí Minh vừa tiến hành rà soát và chấp thuận thu hồi 180 dự án chậm triển khai nhằm siết lại công tác quản lý nhà, đất trên địa bàn. Ngoài ra, Sở Tài chính thành phố kiến nghị hủy bỏ gần 300 quyết định, công văn chỉ định bán các mặt bằng và địa chỉ nhà đất công cho các tổ chức, cá nhân mà không thông qua đấu giá. Có thể thấy, động thái này là cần thiết nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng các tổ chức, cá nhân “xí” đất rồi “ngâm” dự án, gây cản trở cho sự phát triển của thành phố.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, để sớm khởi động các dự án trên các khu “đất vàng”, TP Hồ Chí Minh cần quy định chặt chẽ tiêu chí chỉ lựa chọn dự án và nhà đầu tư có năng lực. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục sử dụng công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, nhà ở, đặc biệt là về thuế để điều tiết thị trường bất động sản, phòng chống đầu cơ và kiểm soát hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất cho mục đích kinh doanh thương mại, nhất là những dự án được triển khai trên các khu đất có giá trị lớn nằm ở khu trung tâm, việc giao đất phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này sẽ giúp thành phố bảo đảm nguồn thu ngân sách, đồng thời tạo sự minh bạch và bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về việc thúc đẩy triển khai nhiều dự án liên quan đến các khu đất đang bị đình trệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, việc rà soát lại tính pháp lý của các dự án là rất cần thiết nhằm bảo đảm các dự án đầu tư trên địa bàn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật, qua đó bảo vệ quyền lợi và giúp nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu rút ngắn thời gian bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, đồng thời thay đổi quy trình là tái định cư trước mới giải phóng mặt bằng, thay vì giải phóng mặt bằng rồi mới tái định cư. Giải pháp này sẽ giúp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án yên tâm di dời, qua đó giúp công tác giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh hơn, dự án bảo đảm tiến độ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.